Sẽ lấy ý kiến người dân về xe buýt
Sẽ lấy ý kiến người dân về xe buýt
Trao đổi với PV chiều 31/7, Giám đốc trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trong hơn mười năm trở lại đây, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thủ đô đã phát triển mạnh cả về mạng lưới, phương tiện, hạ tầng, năng lực vận chuyển cũng như chất lượng phục vụ. Nếu như năm 2000 Hà Nội chỉ có 31 tuyến với 447 phương tiện, thì đến năm 2012 đã tăng lên 84 tuyến, với 1272 xe, vận chuyển trên 1,1 triệu lượt khách mỗi ngày.
Tuy nhiên ông Hải cũng thừa nhận năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Trong sáu tháng đầu năm 2012 Hà Nội đã xảy ra 715 vụ việc vi phạm quy định về hoạt động xe buýt, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo hành khách. Trong đó có thể kể đến những vi phạm chủ yếu như thái độ phục vụ của lái, phụ xe, vi phạm bán vé, chạy sai lộ trình, dừng đỗ sai quy định, vi phạm về chất lượng phương tiện…
Hà Nội cần cải thiện chất lượng phục vụ để xe buýt trở nên thân thiện với người dân. Ảnh LD |
Đặc biệt tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông còn khá phổ biến như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng còi tùy tiện gây bức xúc cho người đi đường. Hay tình trạng trộm cắp trên xe buýt còn diễn biến phức tạp. Trong sáu tháng đầu năm, tổ công tác 142 Công an Thành phố Hà Nội đã bắt giữ và xử lý 87 vụ với 123 đối tượng trộm cắp tại các điểm đỗ cũng như trên các tuyến xe buýt. Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, cũng như lòng đường vỉa hè còn phổ biến, gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón trả khách, gây nguy hiểm cho hành khách khi lên xuống xe…
Trước vấn nạn xe buýt gây ô nhiễm môi trường, ông Hải cho biết, việc xe buýt được sử dụng nhIên liệu sạch là mong muốn của người dân cũng như các nhà quản lý giao thông đô thị. Tuy nhiên loại nhiên liệu sạch ở Việt Nam hiện còn rất hiếm nên chưa thể ứng dụng. Đồng tình với thực trạng xe buýt to cồng kềnh, gây tắc đường mà dư luận phản ánh, nhưng theo ông Hải mỗi xe buýt to sẽ vận chuyển lượng hành khách bằng ba xe buýt nhỏ. Nếu thay thế ba xe buýt nhỏ này sẽ làm tăng thêm diện tích sử dụng mặt đường, mức xả thải sẽ lớn hơn so với một xe buýt to. Vì thế dù xe buýt to cồng kềnh nhưng lại là loại hình mang lại hiệu quả nhất cho giao thông đô thị.
Ông Hải cũng cho biết trong năm 2012 sẽ đưa thêm năm tuyến đấu thầu vào hoạt động và sắp tới sẽ chuyển đổi hình thức của mười tuyến từ không trợ giá sang trợ giá trên cơ sở tổ chức lại mạng lưới tuyến hợp lý. Đồng thời bổ sung mới phương tiện, phát triển hạ tầng buýt, tiếp tục hiện đại hóa công nghệ quản lý, đổi mới hệ thống vé linh hoạt, thuận lợi hơn cho người sử dụng…
Trên cơ sở đó, đại diện trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị đã đề ra mục tiêu: đến năm 2015 sẽ mở rộng mạng lưới tuyến buýt lên 91 tuyến với lượng vận chuyển 2,14 triệu hành khách mỗi ngày, đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Sang giai đoạn từ 2016 – 2020 sẽ nâng lên 98 tuyến buýt với 2,73 triệu hành khách mỗi ngày, đáp ứng 20% nhu cầu đi lại cho người dân thủ đô.
Tuy nhiên để “thuyết phục” được người dân đi lại bằng xe buýt, ông Takagi Michimassa – cố vấn trưởng dự án cải thiện giao thông công cộng tại Hà Nội cho rằng cần phải cải thiện hơn nữa tính thuận tiện của xe buýt, tăng tính an toàn và đặc biệt cần phải vận hành một cách đúng giờ. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông công cộng, vị cố vấn trưởng này chia sẻ, khi người dân đang sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô thì việc thay đổi thói quen này là rất khó. Tuy nhiên nếu thay đổi được sẽ rất hiệu quả đối với giao thông đô thị ở Hà Nội.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc khảo sát, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân đối với loại hình công cộng bằng xe buýt, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra trong tương lai hệ thống xe buýt cũng sẽ được kết nối với ga đường sắt để tạo ra sự thuận tiện nhất cho người dân thủ đô khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng” – ông Takagi Michimassa nhấn mạnh.
Nguyễn Dũng