Sẽ lắp camera giám sát tại một số địa điểm có đông khách du lịch
Một trong những giải pháp được đề ra trong Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới được phê duyệt là hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch kết nối với các trung tâm hỗ trợ du khách (Ảnh minh họa: Phương Dung) |
Ngày 5/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1685 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Đề án nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch để khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%. Đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và có thương hiệu, nhất là tại các khu vực động lực phát triển du lịch. Nâng cao năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các khu du lịch phức hợp quy mô lớn; du lịch thông minh được áp dụng rộng rãi; từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu kể trên, bên cạnh các nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: cơ cấu lại thị trường khách du lịch, củng cố và phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý..., Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đề ra hàng loạt giải pháp sẽ được triển khai.
Trong đó, về đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch, một trong những giải pháp sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới là tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp thị thực, thị thực điện tử.
Về cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển du lịch, theo Đề án, sẽ phát triển hệ thống hạ tầng CNTT trong ngành du lịch hướng tới trình độ của khu vực và quốc tế; xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông mạng Internet không dây miễn phí tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch;...
Cùng với đó, Đề án cũng xác định sẽ lồng ghép các nội dung ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; xây dựng hệ thống thông tin, thống kê về thị trường du lịch; xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện và hiện đại của ngành du lịch, ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác dự báo, xúc tiến quảng bá du lịch.
Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch; phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch dựa trên công nghệ số; theo dõi sự phát triển của các loại hình kinh doanh du lịch dựa trên nền tảng công nghệ để kịp thời có các biện pháp quản lý phù hợp.
Đặc biệt, để xây dựng môi trường du lịch, tại Đề án này, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu thực hiện giải pháp lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm có đông khách du lịch; hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch kết nối với các trung tâm hỗ trợ du khách...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nội dung phù hợp chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện Đề án; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong đó có nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin thị trường du lịch.
Bộ TT&TT được giao phát triển hệ thống hạ tầng CNTT tại các địa bàn du lịch trọng điểm và các dịch vụ công nghệ số phục vụ khách du lịch.
Bộ Công an và Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm tăng cường tạo thuận lợi về thị thực, thị thực điện tử và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.
Với Bộ Công Thương, bên cạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất và mạng lưới phân phối hàng hóa, nhấtl là hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản phục vụ khách du lịch, Bộ này cũng được giao tăng cường quản lý dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực du lịch.
Ngay trước đó, vào ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của của du lịch Việt Nam.