Sẽ “đóng cửa”các cơ sở y tế lựa chọn giới tính thai nhi
Sẽ “đóng cửa”các cơ sở y tế lựa chọn giới tính thai nhi
Hiện nay, việc lựa chọn giới tính của nhiều gia đình trước khi sinh của có phải là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc có nhiều bé trai sinh ra hơn bé gái?Xin ông cho ý kiến?
Tỷ lệ bé trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn bé gái-Ảnh internet |
Tôi cho rằng, việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện nay tăng nhanh một phần quan trọng là do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán. Bên cạnh đó, do áp lực của giảm sinh cũng rất lớn. Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, việc hạn chế chỉ cho phép sinh hai con cũng khiến nhiều gia đình mong muốn có con trai, bởi vậy họ tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn việc lựa chọn giới tính thai nhi.
Thường các cơ sở y tế đã tư vấn cho nhiều cặp gia đình lựa chọn giới tính thai nhi không công khai, vậy ì Bộ Y tế có cách nào để xử lý, thưa ông?
Theo tôi việc xử lý vi phạm liên quan đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết và pháp luật phải nghiêm cấm tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Điều này đã được thể hiện ở Pháp lệnh dân số năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 114/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em; Chiến lược bình đẳng giới do Chính phủ ban hành.
Hiện nay Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ nghị định mới xử lý vi phạm trong lĩnh vực dân số, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xử lý vi phạm về việc xác định các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Theo đó, nếu như cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, đồng thời nếu tái diễn vi phạm sẽ phải đóng cửa
Theo ông, "giải pháp vàng" nào được xác định để làm giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh?
Từ năm 2009, đứng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi đã triển khai các đề án thí điểm về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhiều tỉnh, thành phố.
Năm 2009 triển khai ở 10 tỉnh, 2010 triển khai ở 18 tỉnh thành phố, 2011 triển khai ở 43 tỉnh thành phố. Tuy nhiên ngân sách cũng rất hạn hẹp, mỗi tỉnh có 200 triệu đồng. Tôi nghĩ với 200 triệu đồng đó cũng chỉ như "muối bỏ bể", mới dừng ở mức tuyên truyền phổ biến về tình hình, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh không phải câu chuyện của riêng ai, và nếu như chỉ đơn độc một ngành nào đó thì tôi khẳng định là chắc chắn không thể làm được. Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính sau sinh chúng ta phải huy động cả xã hội cùng chung tay góp sức vào cuộc thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề đó…
Xin cảm ơn ông!
Thùy Dương thực hiện