Sẽ công khai, dán tem thực phẩm biến đổi gen dành cho người
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 69 về việc công nhận 3 giống ngô biến đổi gen của Công ty Syngenta đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam sau khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định.
Ba giống ngô biến đổi gen vừa được công nhận sẽ được đưa vào trồng đại trà tại khu vực trồng ngô trọng điểm tại Việt Nam như: Sơn La, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Lắk... Dự kiến thời gian triển khai vào giữa tháng 4 năm nay và thu hoạch vào giữa tháng 7 hoặc đầu tháng 8.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sự kiện chuyển gen Bt11, GA21 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Bộ NN&PTNT cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Riêng với sản phẩm dành cho người phải dán nhãn thực phẩm biến đổi gen còn làm thức ăn chăn nuôi thì không cần. Đơn vị thu mua, chế biến ngô biến đổi gen phải có nguồn gốc, phải dán tem sản phẩm nếu sản phẩm sử dụng ngô biến đổi gen từ 5% trở lên. Tuy nhiên hiện nay Dự thảo về việc dán nhãn thực phẩm biến đổi gen vẫn đang được soạn thảo.
“Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đang được Chính Phủ giao hoàn thiện Dự thảo Thông tư liên quan đến vấn đề ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen. Về cơ bản Dự thảo cũng đã hoàn thiện và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới”, ông Quảng nói.
Nói về việc hiện nay người dân vẫn đang lo ngại về rủi ro của thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe con người, ông Quảng cho hay, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên Môi Trường cùng nhiều Bộ ngành, tổ chức quốc tế đã hoàn thiện quy trình khảo nghiệm đối với giống ngô biến đổi gen trong nhiều năm mới quyết định để cây biến đổi gen được phép đưa vào sản xuất tại Việt Nam.
Hơn nữa, tại nhiều nước trên thế giới còn không cần phải dán tem đối với thực phẩm biến đổi gen nhưng ở Việt Nam mình cẩn trọng hơn, để người tiêu dùng có thể phân biệt và cân nhắc sử dụng thì chúng ta vẫn tiến hành dán nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen dành cho người.
Theo ông Quảng năm 2014, diện tích trồng ngô trên cả nước chiếm 1,2 triệu ha, sản lượng ngô đạt 5,6 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2014 Việt Nam vẫn phải nhập tới 4,3 triệu tấn ngô. Vì thế việc đưa vào sản xuất đại trà giống ngô biến đổi gen sẽ giúp tăng năng suất và giảm số lượng ngô nhập khẩu.
Ba giống ngô biến đổi gen được đưa vào sản xuất đại trà là giống NK66 Bt11 kháng sâu đục thân, NK66 GA21 chống chịu thuốc trừ cỏ, và giống NK66 Bt11xGA21 vừa kháng sâu đục thân vừa chống chịu thuốc trừ cỏ được tạo ra từ giống nền là giống ngô lai NK66 đã có sẵn tại Việt Nam được lai tạo theo phương pháp truyền thống.