Sáp nhập MaritimeBank–MDB: Mạnh lên hay “chính thức hóa” sở hữu chéo?
Khá nhiều dấu hỏi đặt ra với cuộc “hôn nhân” giữa MaritimeBank và MDB, khi đây được cho sẽ là thương vụ sáp nhập đầu tiên trong năm 2015 của ngành ngân hàng sau một thời gian dài chờ đợi.
Ngày 18/3/2015 vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc về việc cho phép Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB). Công văn này của NHNN phát đi cũng đồng nghĩa cuộc “hôn nhân” giữa MaritimeBank và MDB sắp có cái kết tốt đẹp trong tương lai không xa. Và như vậy, thương vụ sáp nhập đầu tiên của năm 2015 này sắp đi tới chặng đường cuối cùng, sau cả năm 2014 không có một thương vụ nào được công bố.
Khác với những thương vụ sáp nhập gây bất ngờ khác, việc MaritimeBank về một nhà với MDB được cho là thương vụ “trước sau gì cũng xảy ra” và không gây ngạc nhiên trên thị trường, khi MaritimeBank nắm giữ tới 10% tỷ lệ sở hữu tại MDB (tính tới cuối năm 2012).
MaritimeBank và MDB sắp chính thức "về một nhà" |
Như Infonet đã thông tin, ngày 26/3, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã có một báo cáo khá tích cực về thương vụ sáp nhập ngân hàng này. Theo đánh giá của Moody’s, đây là một tín hiệu tích cực giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém, trong một vài trường hợp là những nhà băng yếu kém nhất trong hệ thống ngân hàng.
“Một vài trong số các nhà băng này là các ngân hàng có quy mô nhỏ và thiếu vốn, việc giảm số lượng các ngân hàng này sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống. Ngoài ra, còn giúp NHNN dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống, bởi một số vấn đề nảy sinh trong ngân hàng Việt Nam vừa qua bắt nguồn từ sự quản lý thiếu chặt chẽ”- bản báo cáo của Moody’s bình luận.
Trước tiên, việc MaritimeBank và MDB sáp nhập sẽ tạo ra ngân hàng lớn hơn, khỏe hơn. Điều này hiển nhiên ai cũng thấy, khi ngân hàng sau sáp nhập có quy mô vốn, tổng tài sản lớn hơn rất nhiều lần, với 11.000 tỷ đồng vốn điều lệ và khoảng 300 điểm giao dịch trên toàn quốc. Với quy mô này, ngân hàng sau sáp nhập sẽ thuộc Top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc Top 3 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Chưa kể, thực tế trong những năm qua tình hình kinh doanh của cả 2 nhà băng không mấy “khỏe”. Hiện trên website chính thức của MaritimeBank mới cập nhập báo cáo tài chính tới hết ngày 30/6/2014, còn thông tin tài chính cả năm 2014 vẫn chưa được nhà băng này cập nhật. Theo kết quả kinh doanh tính đến ngày 30/6/2014, tổng tài sản của MaritimeBank đạt 109.200,26 tỷ đồng, tăng 1,95%, trong khi tín dụng tăng trưởng âm 6,36%. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của ngân hàng này chỉ đạt 76,5 tỷ đồng. lợi nhuận đạt thấp.
Dữ liệu từ MDB thì đến nay ngân hàng này cũng mới có báo cáo tài chính hết quý III/2014. Theo đó, tính đến 30/9/2014 MDB đạt lợi nhuận sau thuế là 88,3 tỷ đồng.
Chia sẻ với Infonet ngày 26/3, phân tích về chuyện dù đã được cổ đông chấp thuận nhưng tới nay cuộc hôn nhân giữa MaritimeBank và MDB mới có những tiến triển đầu tiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, chuyện sáp nhập các ngân hàng với nhau không phải là chuyện dễ dàng, khi các nhà băng đứng trước thực tế “một mất một còn”.
Trong các thương vụ sáp nhập thành công trước đây chưa có trường hợp nào đều cùng tồn tại và là cuộc hôn nhân có lợi cho cả 2 bên. Việc “một mất một còn” có thể là cuộc tranh đấu dữ dội giữa 2 ngân hàng. Ngân hàng bị mất đi chần chừ trong việc sẽ mất đi thương hiệu mình đã dày công gây dựng, họ thường đòi hỏi quyền lợi xứng đáng, nên chuyện thương lượng không hề dễ. “Hai bên sáp nhập thì phải đặt lên bàn những vấn đề rất cụ thể: nợ xấu như thế nào, lợi ích nhóm rồi sở hữu chéo ra sao… phải được làm sáng tỏ. Đây là vấn đề rất khó giải quyết. Thành ra cả năm trời nhiều ngân hàng đàm phán với nhau nhưng không đi tới kết quả”- ông nói.
Với thương vụ đầu tiên này, dĩ nhiên là sẽ nằm trong chuỗi thương vụ M&A sẽ tiến hành trong thời gian tới, và là điều tốt để tái cơ cấu lại các ngân hàng kém. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ dùng biện pháp xử lý ngân hàng yếu bằng cách mua lại giá 0 đồng như đã làm với Ngân hàng Xây dựng vừa qua.
Tuy nhiên, vấn đề cũng nảy sinh từ chính tỷ lệ sở hữu chéo giữa MaritimeBank và MDB hiện nay.
Ngoài việc hai ngân hàng “cộng lại” sẽ tạo ra một nhà băng mới với tài sản và quy mô vốn lớn hơn thì cũng dấy lên nghi ngại, liệu tỷ lệ sở hữu chéo của MaritimeBank tại MDB có thực sự giảm sau sáp nhập, hay đây chỉ là cách để “chính thức hóa” tỷ lệ sở hữu này một cách chính thống? Thực tế, việc sở hữu chéo trong các ngân hàng hiện nay vẫn rất phức tạp, ngoài con số được công bố thì vẫn còn những tỷ lệ sở hữu “ẩn”, do đó thực hư tỷ lệ sở hữu chéo của nhà băng này tại nhà băng khác là bao nhiêu vẫn còn lại một dấu hỏi.
Trước quan điểm cho rằng, việc MaritimeBank sáp nhập với MDB chỉ là cách để “chính thức hóa” sở hữu chéo tồn tại bấy lâu trong 2 nhà băng này, TS. Hiếu có cách nhìn nhận khá thận trọng. Ông cho rằng, việc có phải 2 ngân hàng này sáp nhập để “khỏa lấp” sở hữu chéo hay không thì cần xem xét và nghiên cứu tỷ lệ sở hữu cụ thể giữa 2 nhà băng, cụ thể con số tỷ lệ cổ phần sở hữu chính thức của MaritimeBank tại MDB và cả những tỷ lệ cổ phần sở hữu liên quan như sở hữu công ty con của MaritimeBank tại MDB như cổ phần sở hữu của các cá nhân liên quan tới lãnh đạo MaritimeBank, sở hữu “ẩn”… thì mới xác định được tầm ảnh hưởng của ngân hàng này đối với ngân hàng mà họ đầu tư.
“Nếu thực sự 2 bên sáp nhập để minh bạch hóa sở hữu chéo và đưa nó về quy định giới hạn sở hữu chéo tối đa là 5% tại nhiều nhất là 2 tổ chức tín dụng theo Thông tư 36 thì lại là điều tốt cho cả 2 ngân hàng và cả hệ thống”- TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Sở hữu này sẽ được giải quyết như thế nào qua việc sáp nhập giữa 2 bên? Nếu tỷ lệ sở hữu này là lớn, dẫn tới rủi ro và thiệt hại cho ngân hàng thì theo quan điểm của vị chuyên gia trên, cần một điều tra, nghiên cứu sâu rộng để hiểu rõ vấn đề.
Và trong nhận định của mình, hãng tín nhiệm Moody’s cũng không quên đưa ra cảnh báo, dù làm lành mạnh hệ thống nhưng việc sáp nhập các ngân hàng lại với nhau cũng có thể tạo ra những nguy cơ, rủi ro trong quá trình thực hiện…