Sáng nay (25/10), TAND tỉnh Hà Giang tuyên án 5 bị cáo trong vụ sửa điểm thi
Trước đó, từ ngày 14/10 đến hết ngày 18/10, tại TAND tỉnh Hà Giang đã diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại ở phương này. Sau 5 ngày xét xử, HĐXX nghị án từ ngày 21/10 và hôm nay (25/10), HĐXX sẽ tuyên án 5 bị cáo trong vụ án này.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
5 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án trên gồm: Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT); Vũ Trọng Lương (Nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị truy tố tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại Điều 366 Bộ luật hình sự; bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự.
Chiều 17/10, VKSND tỉnh Hà Giang đã đưa ra quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 5 bị cáo trên.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) từ 8-9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Hoài là người chủ mưu, khởi xướng, chỉ đạo Vũ Trọng Lương nâng điểm cho các thí sinh, do đó phải nhận mức án cao nhất.
Cùng tội danh trên, bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù. Lương là người trực tiếp sửa bài thi, nâng điểm thi cho các thí sinh.
Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án. |
Bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT) bị đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLHS 2015.
Bị cáo Chính đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi, Chính đưa cho Hoài danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm và thống nhất nâng điểm cho 12 thí sinh đối với môn ngữ văn. Tuy nhiên, việc chưa kịp nâng điểm là yếu tố khách quan mang lại, ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo.
Bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT) bị đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015. Kết quả chấm thẩm định cho thấy bị cáo Khuông có con được nâng 13,3 điểm tại kỳ thi này.
Bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị đề nghị xử phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tùvề tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015. Dung là người nhờ Lương nâng điểm cho 20 thí sinh và cả 20 thí sinh này đều được nâng điểm.
Sau khi VKS kết thúc việc đọc bản luận tội, 4 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương, Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung đều từ chối quyền tự bào chữa cho mình. Các bị cáo này khẳng định "không có ý kiến gì về quan điểm của VKS". Riêng Triệu Thị Chính là bị cáo duy nhất mời luật sư tại phiên tòa này và đã ủy quyền cho các luật sư bào chữa.