Săn lùng loài cá kiêng kỵ và ám ảnh của người Cơ Tu

Khi dòng A Vương bắt đầu chuyển con nước đỏ lừ sau bão lũ sang màu trong xanh là lúc người Cơ Tu ở làng A Dinh (huyện Đông Giang, Quảng Nam) bắt đầu một hành trình săn lùng cá chình suối. Loài cá có thịt săn chắc thơm ngon nức tiếng trong vùng, cũng là loài cá kiêng kỵ và đầy ám ảnh của người Cơ Tu sống đầu nguồn dòng sông đầy huyền thoại này.

Săn lùng loài cá kiêng kỵ và ám ảnh của người Cơ Tu - ảnh 1
Những con cá chiên vừa được gia đình A Lăng Seo đánh bắt.

Ma trận dưới đáy sông


Những đợt gió mùa liên tiếp cuối đông khiến thị trấn Prao (Đông Giang) chìm trong sương giá. Mới giữa chiều nhưng núi rừng nơi đây đã mịt mờ sương phủ. Dòng A Vương lãng đãng trong khói chiều, uốn khúc như con rắn chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh, qua những bản làng đẹp như tranh vẽ. Sông A Vương gồm 2 nhánh chính, một nhánh khởi nguồn từ sông Lăng, nhánh khác từ hướng tả ngạn bắt nguồn từ suối Among đi ngược về làng Aur xa xôi giáp với huyện Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sông A Vương không rộng nhưng có độ dốc đứng và lắm thác ghềnh. Mùa hè có thể nhìn rõ lòng sông với những mỏm đá há hốc, nhưng mùa mưa khi con nước về tạo thành những hợp âm cuồng xoáy, các vách ngăn đột ngột dòng nước chảy xiết tung bọt trắng xóa.

Những đứa trẻ Cơ Tu chia đôi mặt cầu A Vương thành cái sân bóng đá nhỏ. Chúng vừa đá bóng vừa canh chừng những chiếc bẫy cá dưới lòng sông lúc ban chiều. Dưới những bóng cây lồ ô đưa mình soi nước sát bờ sông chỏng chơ đá cuội là hàng loạt cần bẫy uốn cong cúi đầu xuống đáy sông. A Lăng Ben – một học sinh lớp 9 dẫn chúng tôi xuống tận bờ sông thăm chiếc bẫy của gia đình em vừa gài dưới khúc sông này. Đó là những cây tre tầm vông to bằng bắp tay, một đầu cắm vào khe đá, đầu kia thò ra nơi dòng suối chảy xiết. Một sợi dây cước lớn móc sẵn mồi câu và chúng được gài cẩn thận vào hang đá dưới nước. Bất chấp cái lạnh, A Lăng Ben cởi phăng tấm áo, mang mỗi chiếc quần ngắn đánh ùm xuống dòng sông, lặn một hơi thật sâu để sửa lại chiếc bẫy cá và móc thêm mồi câu. Những con cá niên lưng xanh, những con ếch rừng da có gai hay cá mát bụng trắng là loại mồi ưa thích của cá chình trên dòng sông này mà người Cơ Tu bản địa hay dùng. Ben bảo gia đình em chỉ có 14 cần câu thôi, còn lại là của cư dân khác trong làng. Mỗi gia đình có một lãnh địa riêng trên khúc sông. Không ai đụng đến phần của ai nhưng khi cá đánh bắt được người làng A Dinh chia đều cho chòm xóm.

Càng về chiều, khúc sông A Vương dài gần 10km, từ mặt đập của thủy điện Za Hung đến hết địa phận huyện Đông Giang như một ma trận bẫy cá. Những chiếc cần cong vút uốn mình ra phía mặt nước chờ đợi vận may.

Săn lùng loài cá kiêng kỵ và ám ảnh của người Cơ Tu - ảnh 2
A Rơi Luối, làng A Dinh chuẩn bị mồi cho một đêm bẫy cá chình trên dòng A Vương. Ảnh: TẤN VŨ

Lời nguyền về loài cá chình


Căn nhà bếp của gia đình A Rơi Luối nằm sát đường chính dẫn vào làng A Dinh với bếp lửa bập bùng. Vợ chồng ông với hai đứa cháu đang lui cui nướng sắn, bắp và khoai lang vừa mang về trên nương. Ông Luối đang cắt một ít sắn vót thành những miếng mồi vuông vức, to bằng đầu ngón tay, chuẩn bị cho một đêm giăng bẫy ở khúc sông quen thuộc của gia đình. Hơn 10 năm rồi, từ khi đứa con trai út của ông qua đời vì đuối nước, già Luối bỏ luôn nghề săn chình. Nhưng nay ông trở lại với dòng sông bằng nỗi nhớ nghề da diết và gài bẫy cá theo cách riêng của mình.

Chỉ tay về phía đỉnh núi Gr Hênh sừng sững bên kia sông, già Luôi nhớ lại ngôi làng xưa với một thời hoang sơ nhưng phồn thịnh. “Ngày trước, làng A Dinh bên đó, dưới chân núi rất nhiều mái nhà. Hồi đó đường nhựa chưa có, người Kinh cũng ít tới đây, cá nhiều vô kể. Những con cá chình to bằng cái cột, cả làng ăn không hết, những con cá chiên to như con người, thịt vàng như nghệ, bộ ruột ăn như lòng heo. Bây giờ thì hiếm rồi, lâu lâu có một con từ 5 - 10 cân thôi”. Trong hồi ức của già Luôi, A Vương là dòng sông hoang sơ chảy qua tuổi thơ ngọt ngào của ông với sự linh thiêng. “Hồi đó nhà mình làm rẫy sát mé sông. Mỗi lần đốt nương y như rằng đêm đó cá chình bò từ khe đá dưới lòng sông lên ăn tàn tro. Chúng rất thích mùi cây lá cháy khô, tro tàn… Có đêm cá chình leo cả cặp lên rẫy vừa cháy. Chúng to như bắp chân, vẫy lạch bạch như những con rắn, nhưng có tiếng động là phóng ào ào xuống nước rồi mất hút” – già Luối kể.

Sau cái chết của đứa con trai út già Luôi năm 2002, đến lúc này dù là mùa săn chình chính thức bắt đầu nhưng điều cấm kỵ của dân làng A Dinh là chỉ săn cá mà không được tận tay bắt chúng. “Nếu có gặp cá chiên, cá leo, con trắm… thì bắt ăn thoải mái. Gặp chình thì phải nhờ gia đình khác bắt giúp, người gài bẫy không được sờ vào. Nếu bắt chình thì phải đền mạng” – ông A Rơi Be (anh ruột của A Rơi Luối) nói quả quyết. Lời nguyền về loài cá chình và người đi săn bắt cá này có từ lúc nào không rõ, nhưng nhiều đời nay, trong làng A Dinh trải qua nhiều thế hệ, điều cấm kỵ ấy vẫn vẹn nguyên. “Năm đó gài được con cá chình to hơn 3 gang tay vòng tròn, dài cả sải, nặng khoảng 20 ký, không có người gỡ thằng Luôi làm liều mang con cá về nhà. Ba ngày sau con trai hắn chết nước trong cái ao trước nhà. Sợ quá hắn bỏ săn chình tới chừ…” – già Be bàng hoàng kể lại.

Đêm ở dòng sông hoang sơ

Những khúc sắn vuông vức của già Luối to bằng đầu ngón tay được nướng chín vàng, mùi rất thơm. A Lăng Seo, người con rể của già Luối có nhiệm vụ cùng cha mình đi đặt bẫy chình đêm nay. “Sao không dùng mồi cá niên, ếch, cá mát để mà dùng sắn nướng?” – tôi buột miệng hỏi. Già Luối cười nhẹ, rồi nói khoan thai: “Trong khúc sông của gia đình mình phân thành nhiều loại mồi khác nhau, nhiều loại cần bẫy khác nhau, mỗi đoạn sông một loại mồi. Thường thì chiếc cần có miếng sắn nướng lại được con chình to nhất”.

Chập choạng tối. Dòng A Vương vẫn réo gọi ầm ào rồi tung bọt trắng xóa. Trên chiếc bè bằng lồ ô kẹp lại, chúng tôi thả trôi từ thượng nguồn về xuôi để cắm từng chiếc bẫy trong các hốc đá. Chiếc đèn pin nhỏ xíu đủ để ánh sáng rọi xuống các hốc đá quen thuộc. A Lăng Seo lặn hụp như con rái cá, cứ thế từng chiếc bẫy được đặt vào tận hang sâu. Có những khúc cua của dòng sông nước tuôn rất dữ, già Luối và cả A Lăng Seo phải chống cong cả cây sào bằng gỗ kiền kiền mới tránh cho biết bè khỏi lật úp. Nếu không là con người của dòng sông, không là các cư dân sinh ra và lớn lên bên dòng A Vương, có lẽ không một ai có thể điều khiển chiếc bè trong đêm tối như mực qua được các ghềnh đá. Đặt xong gần 40 chiếc cần bẫy xuống lòng sông là lúc dân bản A Dinh đã chìm vào giấc ngủ sâu sau một ngày mệt nhoài trên nương rẫy.

Trên đường từ bến sông về lại gươl của làng, già Luối kể rằng mùa này cư dân ở đây bắt đầu đi chọn những cây tre tầm vông mắt thưa, lá mỏng, cành đẹp nhất trên núi Gr Hênh để làm cần bẫy cá. Những chiếc cần tre phải có độ cong vừa phải, vừa êm ái và đủ độ nhún để chúng không giật mạnh làm đứt lưỡi câu hoặc quá yếu để gãy cụp khi gặp chú cá lớn lôi đi. Cần tre làm bẫy phải được sấy qua lửa các đốt tre cho khỏi mục và rệu rã khi gặp nước. Chúng được giữ cẩn thận như không cho đàn bà bước qua hoặc không mang vác qua các dây phơi áo quần để công việc bẫy cá được may mắn. Già Luối kể rằng năm ngoái ở làng A Réc nằm bên cạnh có đến 3 người chết cũng chỉ vì bắt được nhiều cá chình. “Cá chình ngày nay bắt để bán về xuôi, nhiều người đi săn lắm, người trẻ họ quên hết những điều cấm kỵ. Lúc trước có cả người Kinh lên làm đường ở đây vì đi đánh cá chình mà chết đuối. Khúc sông này nhiều người chết lắm rồi” – già Luối kể lại. Một cảm giác lành lạnh chạy dọc sống lưng khi nghĩ về nghề nguy hiểm nơi khúc sông mà chúng tôi vừa qua.

Đêm trên gươl với bếp lửa cháy tanh tách, ấm áp xua đêm lạnh, nhưng chúng tôi không thể chợp mắt vì đợi trời mau sáng để được trở lại nơi những chiếc bẫy cá. Trong tưởng tượng của chúng tôi những con cá chình lủng lẳng quấn chặt lấy sợi dây câu. Gần sáng, A Lăng Seo vớ lấy khẩu súng tự chế có báng bằng gỗ, nòng súng là một ống nứa nhỏ trông như khẩu súng trường dài đến 1,2m, ôm theo một ít tên vót nhọn sẵn để lên đường. “Khi cá chình dính bẫy, không bắt chúng được đâu. Da rất trơn. Miệng chúng rất sắc có thể cắn đứt tay nên phải dùng súng bắn tên xuyên qua nó rồi trói lại và mang về” – Seo tiết lộ. Chúng tôi không được lên bè đi gỡ bẫy theo những luật tục của người bản địa. Đi dọc bờ sông, lúc trời dần sáng nhìn Seo gỡ cá dính bẫy. Gần chục chú cá chiên, cá leo, cá trắm được Seo lần lượt cho vào giỏ. Những chú cá chình trong tưởng tượng của chúng tôi vẫn mất hút. Mang bao cá nặng trịch lên bờ, Seo cười tươi. “Không sao, đầu mùa nên chình chưa ăn, khó dính bẫy. Được hơn 5 ký cá chiên, cá leo cũng không tệ cho một đêm bẫy cá. Có khi không bắt được cá chình đêm nay cũng là điều may. Chình bán có tiền nhưng em vẫn sợ. Có thể cá lớn lại xuất hiện vào đêm mai” – Seo nói trong ánh mắt tràn trề hy vọng.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Diễn viên Thanh Hương sau đổ vỡ: Tôi không thiếu những người đàn ông theo đuổi

Diễn viên Thanh Hương cho biết muốn kín tiếng trong chuyện riêng tư và hiện chưa nghĩ tới việc kết hôn dù không thiếu người theo đuổi.

Cảnh lạ ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Trăm năm ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược

Hẻm "nhà thùng", có từ thời Pháp thuộc như ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược với một bên là dãy nhà cao cửa rộng trong khi phía đối diện là những căn nhà bé tí, lụp xụp rộng chưa đầy 10m2.

Chuyện cảm động phía sau tấm ảnh phục dựng gia đình đủ 4 người ở Làng Nủ

Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, em Hoàng Xuân Phúc (14 tuổi) đã mất đi cả bố và mẹ. Mong muốn của Phúc là có một bức ảnh đầy đủ 4 thành viên trong gia đình.

BAT Việt Nam hoàn thành mục tiêu khoanh nuôi 120ha rừng ngập mặn Cà Mau

Công ty British American Tobacco (BAT) Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã hoàn thành dự án hợp tác trồng rừng giai đoạn 2022 - 2024. Một trong các mục tiêu là chuyển hóa 120ha bãi bồi thành rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Du khách hào hứng với loạt trải nghiệm tại Sun KraftBeer Festival 2024

Dù đã qua mùa hè cao điểm, nhưng mỗi ngày Sun World Ba Na Hills vẫn thu hút hàng nghìn du khách đến với Lễ hội bia tươi và ẩm thực Sun KraftBeer 2024.

Chị dâu tặng vòng vàng dịp kỷ niệm ngày cưới, tôi đi bán mới phát hiện sự thật

Không tin vào những gì mình nghe được, tôi đã mang chiếc vòng vàng được chị dâu tặng đến 3 cửa hàng khác nhau để kiểm tra.

Cô gái Bình Phước ngồi xe lăn vào lễ đường, nhiều người rơi nước mắt

Đám cưới của Nhung có nhiều điều đặc biệt. Cô được bố đẻ bế ra trao cho chú rể. Khoảnh khắc chú rể đẩy xe lăn, đưa cô dâu tiến vào lễ đường nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Nước ngập trắng đồng ở Chương Mỹ, 100 cảnh sát gặt lúa giúp dân

Dù cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng những cánh đồng của xã Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn chìm trong biển nước. Để giảm thiểu thiệt hại, hơn 100 chiến sĩ cảnh sát đã xuống đồng gặt lúa giúp người dân.

Chùa cổ gần 1.000 tuổi trên đỉnh núi Long Đọi, Hà Nam

Chùa Long Đọi Sơn vừa mang một vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của một ngôi cổ tự gần 1.000 năm tuổi, vừa mang đến cho du khách cảm giác bình yên, thanh tịnh.

'Nhìn danh sách ủng hộ của xóm nghèo, giật mình tưởng đọc nhầm con số'

Hay tin người dân miền Bắc oằn mình trong bão lũ, người dân Sơn Trình không ai bảo ai, tự nguyện góp tiền ủng hộ.

Đang cập nhật dữ liệu !