“Săn” cá thu nước ngọt
Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.
4 năm xuất hiện một lần
Từ lâu, người ta cứ tưởng cá thu chỉ sống ở vùng nước mặn, nhưng lạ là loài cá này có thể thích nghi với môi trường nước ngọt. 15 năm “bám víu” nghề “hà bá”, anh Nguyễn Ngọc Lợi (sáu Lợi, 45 tuổi, ngụ Châu Thành) cũng ngần ấy thời gian quen mặt với con cá thu.
Ngồi trên xuồng lưới, sáu Lợi cười tươi: “Tại mấy chú chưa biết, chứ từ cái thời ông cha tôi thì đã có mặt con cá thu rồi. Loài cá này xuất hiện từ tháng giêng đến cuối tháng 5 âm lịch. Khi con nước trên sông chuyển màu phù sa thì chúng biến mất. Nhưng loài cá thu không phải năm nào cũng xuất hiện, vài năm chúng mới đến khúc sông này. Tôi ước tính, khoảng 4 năm thì cá thu xuất hiện một lần”.
Con cá thu nước ngọt dính lưới của sáu Lợi |
Màn đêm buông dài trên sông Hậu, sáu Lợi bật đèn pha phân lưới. Tóm được con cá to gần 2kg, sáu Lợi mừng rơn: “Con cá thu này trộng nhe! Chỉ cần dính được một con cá bự là đủ sống trong ngày rồi. Hổm rài, tôi chỉ giăng lưới dính con trên 1 kg là hết cỡ rồi”. Theo nhiều ngư dân thuộc hạng lão luyện ven sông Hậu, loài cá thu nước ngọt rất tinh khôn. Cá cơm, cá mồm chính là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho cá thu trên sông.
“Ban đêm rọi đèn, tôi còn thấy cá thu nhảy vọt trên sông. Nơi nào có đàn cá cơm, cá mồm thì có sự hiện diện của chúng. Con cá thu nước ngọt mau lớn thiệt! Mới đầu tháng giêng, tôi giăng lưới dính chỉ khoảng 2 ngón tay thì nay chúng cỡ vài kg. Thịt cá thu nước ngọt ngon hơn thịt cá bông lau. Lâu nay, cá bông lau được mệnh danh là loài cá đặc sản, nhưng nay thì con cá thu có phần lấn lướt hơn, bởi thịt cá thơm ngon…” - sáu Lợi giải thích.
Nghề hạ bạc
Gắn bó với cái nghề “bà cậu”, nhiều ngư dân nói rằng, phải lựa ngày xuất hành cúng “thần sông” thì mới giăng dính được cá ngon. Sáu Lợi phân trần: “Ngư dân nào cũng tín ngưỡng, kiêng cữ từng lời ăn tiếng nói nên mỗi lần xuống lưới phải chọn ngày tốt cúng vịt hoặc trái cây. Có nhiều người xuống lưới những ngày đầu trúng mánh dính nhiều cá bông lau, cá thu, rồi mua đầu heo về cúng. Nghề hạ bạc là vậy!”.
Tư Hưng ở xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) - một người bạn trong nghề “bà cậu” của sáu Lợi nói, từ sau Tết, hàng chục ghe xuồng “xuất hành” đánh bắt cá bông lau. Sau đó, dứt mùa cá bông lau chuyển sang “săn” cá thu nước ngọt. “Năm trúng, năm thất. Chục năm về trước, cá bông lau và cá thu nhiều vô kể, ít người ăn. Còn nay, 2 loài cá này giảm mạnh. Từ đầu vụ tới giờ, trung bình mỗi ngày tôi giăng dính khoảng 2-3 con cá thu. Ngày nào trúng mánh thì dính 5 con cá thu, bạn hàng thu mua giá 150.000 đồng/kg. Một ngày chỉ cần giăng lưới dính 2-3 con cá thu là đủ sống” - tư Hưng tâm sự.
Sáu Lợi phân lưới trên sông |
Giới trong nghề “bà cậu” quen gọi tư Hưng là tay “sát cá”, bởi lúc nào anh cũng giăng lưới dính cá nhiều hơn mọi người. Hơn 20 năm trong nghề, tư Hưng biết rất rành về đặc tính của con cá thu nước ngọt. “Loài cá này sống ở nơi có nước sâu, chảy mạnh. Chúng sống ở độ sâu khoảng 5-10m. Thường giàn lưới của tôi giăng ở độ sâu khoảng 15m, nhưng cá dính ở tầng giữa” - tư Hưng nói.
Gỡ con cá thu dính lưới, tư Hưng giải thích thêm, con cá thường đâm đầu ngược dòng nước, chứng tỏ chúng đi từ vùng dưới lên. Khi có môi trường thuận lợi, cá sẽ trú ẩn và sinh sản. “Muốn giăng dính cá thu phải ra sông từ lúc còn hoàng hôn cho đến 9 giờ tối. Nhưng loài cá này, vừa dính lưới là chết ngay nên khó có thể bảo quản tươi sống” - tư Hưng quả quyết.
Chị Vân, thương lái cá “đặc sản” ở huyện Châu Thành cho biết, vào mùa “săn” cá thu, mỗi ngày chị thu mua trên 10 con (nặng từ 700gram- 2kg), giá 150.000 đồng/kg. Sau đó, nhiều thương lái ở Long Xuyên gom hàng phân phối các nhà hàng và chợ lớn.
Chia tay tư Hưng và sáu Lợi, ánh đèn pha vẫn còn le lói trên dòng sông đêm.
Bài, ảnh: THÀNH CHINH/Báo An Giang Online