"Ruộng bậc thang" ở đường xe buýt nhanh giữa Thủ đô
Ghi nhận của PV Infonet buổi sáng ngày 26/5, tại một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Lê Trọng Tấn (Hà Nội)…nơi những mảng đường nhựa bị bóc đi để thay bằng bê tông làm đường xe buýt nhanh có sự chênh nhau độ cao khoảng 5-10cm theo kiểu “ruộng bậc thang” giữa đường cũ và đoạn đường bê tông mới. Đây là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là khi trời mưa, đường trơn trượt, các phương tiện đi nhanh.
Nhà chờ xe buýt nhanh đã được hoàn thành, nhưng chưa đưa vào sử dụng, ở ngã tư Lê Văn Lương- Hoàng Minh Giám. |
Mới đây nhất, vào ngày 21/4, tại đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông (Hà Nội), một thiếu nữ đang điều khiển xe máy đi vào phần đường tiếp giáp giữa đường nhựa và đường bê tông trên đường Lê Trọng Tấn bất ngờ bị trượt ngã. Ngay lúc đó, chiếc xe tải chạy phía sau lao tới không kịp phanh đâm vào khiến thiếu nữ này tử vong ngay tại chỗ.
Được biết, lớp đường nhựa được bóc lên thay bằng bê tông để phục vụ tuyến buýt nhanh (BRT) dài 14 km, có điểm đầu ở bến xe Kim Mã, qua Giảng Võ - Láng Hạ - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Ba La - và điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa.
Anh Nguyễn Quốc Khánh trao đổi với PV Infonet. |
Anh Nguyễn Quốc Khánh (40 tuổi, quê ở Bắc Ninh, người chạy xe ôm cạnh ngã ba Lê Văn Thiêm- Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Từ ngày các cơ quan chức năng bóc lớp đường nhựa thay bằng đường bê tông làm đường xe buýt nhanh, lợi ích đâu thì tôi chưa thấy nhưng tai nạn xảy ra thì nhiều vô kể, đặc biệt là vào những ngày trời mưa, họ bị trượt giữa mặt đường nhựa và đường bê tông... ”
“Không chỉ riêng tai nạn, khoảng chênh giữa đường bê tông và đường nhựa khiến mỗi khi xe ô tô chạy qua tạo ra những tiếng ồn rất khủng khiếp, như ai đang gõ vào thùng phuy không vậy, nhất là vào buổi trưa vắng người và buổi tối”, anh Khánh chia sẻ.
Để hiểu rõ hơn về việc thay thế đường nhựa bằng đường bê tông làm tuyến đường xe buýt nhanh, PV Infonet có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Ai nói là đường nhựa (đường nhựa bị bóc thay bằng đường bê tông ở tuyến đường xe buýt nhanh - PV), không đủ trọng tải để làm đường xe buýt nhanh? Đường nhựa bị bóc thay bằng đường bê tông, theo tôi thừa tiêu chuẩn làm đường xe buýt nhanh, nhưng không hiểu tại sao họ lại bóc để thay thế. Việc làm đường nhựa và đường bê tông cạnh nhau, tạo ra những tiếng ồn, khiến người dân trong khu vực khổ sở. Không chỉ có vậy, việc tạo ra khoảng chênh giữa đường xe buýt nhanh và đường nhựa là mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, không nên bóc đường nhựa làm đường bê tông, số tiền đó, nên đầu tư vào sản xuất hoặc xây dựng khu vui chơi giải trí cho người dân, xây dựng nhà cho người nghèo thì hợp lý hơn. Việc các cơ quan chức năng bóc lớp đường nhựa thay bằng đường bê tông, để làm đường xe buýt nhanh, rất lãng phí.
Hơn nữa, nếu đã bóc để thay phần đường nhựa thành đường bê tông, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý không để mặt đường có những đoạn chênh cao thấp như ruộng bậc thang khiến các phương tiện khi lưu thông có thể trượt bánh, dễ xảy ra tai nạn.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Infonet vừa mới ghi nhận trên tuyến đường xe buýt nhanh ở Hà Nội sáng 25/6:
Sống trâu xuất hiện giữa đường xe buýt nhanh và mặt đường nhựa ở đường Lê Văn Lương. |
Độ chênh giữa mặt đường nhựa và đường xe buýt nhanh. Không chỉ vênh nhau khá nhiều về độ cao, mà giao điểm giữa hai đoạn đường này còn không bằng phẳng, gồ ghề... |
Nhiều người tham gia giao thông cảm thấy lo sợ mỗi khi đi qua đoạn đường kiểu "ruộng bậc thang" này, nhất là khi mưa gió, tối trời hoặc khi đường đông đúc vô tình bị đi vào đúng chỗ tiếp giáp nhau. |
Vị trí nhà chờ ở đường Lê Trọng Tấn, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến một cô gái trẻ tử vong vào cuối tháng 4 vừa qua. |