Rùng mình tận mục lò nước đá giải khát
Rùng mình tận mục lò nước đá giải khát
Toàn bộ quy trình từ lấy, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều rất mất vệ sinh. Thực trạng này xảy ra tại nhiều cơ sở làm đá cây trên địa bàn Hà Nội.
Tại một cơ sở sản xuất đá tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, PV tận mắt chứng kiến các công đoạn làm đá cây. Khu vực làm đá nhếch nhác, bẩn thỉu, ẩm ướt; trên nền đọng những vũng nước cáu bẩn… Toàn bộ quy trình từ lấy, lọc nước, làm lạnh, bảo quản rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều được thực hiện bằng “công nghệ”… bẩn.
Dẫm dép vào đá cây vứt giữa lối đi lại |
Các khuôn làm đá ở đây gỉ sét đóng tróc thành tầng thành vẩy, nhiều thiết bị được tận dụng lại không đảm bảo an toàn vệ sinh. Thậm chí, cơ sở này còn dùng vỏ cao su để bọc đá, đựng đá, làm khay đá… “để cho đỡ ồn”, theo như giải thích của một công nhân.
Anh công nhân này cho biết: "Trung bình mỗi ngày, cơ sở bọn em tung ra thị trường tiêu thụ khoảng 50 tấn đá. Ngày cao điểm, sản xuất cả ngày đêm, thì lên tới 70 tấn/ngày. Còn nguồn nước sử dụng để làm đá lấy từ nước giếng khoan, lọc qua bể lọc cát cho trong, sau đó lọc thêm lớp lọc than hoạt tính để loại tạp chất…"
Khu vực trữ đá cáu bẩn, đá cây ngổn ngang dưới sàn |
Theo quan sát, tất cả các cơ sở sản xuất được khảo sát đều làm theo kiểu “nhiều không”: Không bảo hộ lao động, không che chắn, nhân viên không đeo găng tay, không khẩu trang, phễu đựng đá không được che đậy khiến cho bụi bặm, ruồi nhặng có thể bay vào bất cứ lúc nào.
Sản xuất đá mất vệ sinh đã đành, những người đến "thầu" đá tại cơ sở này về giao cho các hàng quán cũng vận chuyển đá bằng "công nghệ" mất vệ sinh không kém: Đá được ủ trong các bao tải gai cáu bẩn, bốc mùi… Hàng tạ đá chở đến nơi tiêu thụ giữa phố xá bụi bặm được chằng bằng dây thừng, giây chun cao su mà chẳng hề được che đậy.
Bẩn, mất vệ sinh, có thể gây ra bệnh tiêu chảy... nhưng đá cây sản xuất ra bao nhiêu là được tiêu thụ bấy nhiêu vì nhu cầu giải khát của người dân Hà Nội vào dịp hè quá lớn. Mặc dù theo quy định, các loại đá cây chỉ được sử dụng vào các công việc như ướp trái cây, ướp lạnh thực phẩm…
Từng cây đá bán lẻ được để vỉa hè, thậm chí dưới nền gạch |
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Theo quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nước phải được lấy từ độ sâu hàng trăm mét, sau đó xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược, diệt vi khuẩn bằng tia cực tím, rồi mới cho vào bộ phận làm lạnh.
Ngoài ra, các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải bằng inox, hoặc thiết bị chống gỉ sét. Khi bảo quản đá phải có phòng cách ly với bên ngoài…. Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn đề sản xuất đá tinh khiết, đá sạch sao cho đảm bảo VSATTP hiện cũng còn nhiều điều đáng bàn.
Ông Cường cho rằng, những nguy hại từ đá bẩn tới sức khỏe là không nhỏ, điều này đã được ngành Y tế ghi nhận khi cho rằng nước đá không sạch đang là một nguồn lây bệnh nguy hiểm, chứa các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp…
Vì vậy, ông Cường khuyến cáo dân hãy là người tiêu dùng thông thái, nên chủ động chọn dùng đá tinh khiết, đá viên để đảm bảo an toàn sức khoẻ.
Nguyễn Hiếu