“Rừng hát” – tuyển tập đồ sộ của cố nhạc sĩ Minh Phương
Đến dự có các ông, bà: Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí; Đoàn Thị Thanh Huyền, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều người đã có một thời gắn bó với nhạc sĩ Minh Phương.
Ca khúc viết cho con
Trong không gian trầm lắng của Trung tâm Dịch vụ du lịch Festival, những nốt nhạc hùng hồn mà da diết của ca khúc “Chiều Trường Sơn” vang lên khắc khoải lòng người: “Chiều Trường Sơn, tôi đến thăm anh / Tượng đài cao, tượng đài cao hùng vĩ trên đồi xanh / Anh nằm đó chiều mây trời lộng gió / Chim vẫn ca / Suối vẫn hiền hòa/ Cây rừng ru anh yên giấc ngủ đời đời…”.
Người nghe xúc động khi được nghe lại những sáng tác của cố nhạc sĩ Minh Phương |
Bài hát không chỉ gợi nhớ đến một thời chiến tranh lửa đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, mà còn là tiếng lòng tha thiết, tình cảm yêu thương chân thành của những người đang sống hôm nay đối với sự hy sinh cao cả, anh dũng của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đây là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Minh Phương được nhiều người yêu thích và được xếp vào hàng “Những bài ca đi cùng năm tháng” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Ông Trương Minh Tuấn - con trai của cố nhạc sĩ chia sẻ: ““Chiều Trường Sơn” là bài hát ba tôi đau đáu dành cho tôi khi tôi cầm súng chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1980. Lúc đó ở chiến trường rất ác liệt, thư từ không về nhà được, một dịp ba tôi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, ông đã rưng rưng nghĩ, một ngày nào đó, con mình sẽ về nằm đây cùng với đồng đội. Từ cảm xúc ấy, ông viết bài “Chiều Trường Sơn””.
Những người tham dự chương trình xúc động khi được nghe các thành viên của Đội tuyên truyền lưu động Phòng VHTT huyện A Lưới đã vượt đường núi rừng về Huế biểu diễn những ca khúc “Tôi là con của rừng”, “Người Pakoh hát mừng Điện Biên” - là tình cảm mà nhạc sĩ Minh Phương dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới lúc sinh thời.
Tuyển tập của lòng say mê
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, đã tập hợp cơ bản những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cả cuộc đời của nhạc sĩ Minh Phương. Phần 1 - “Giai điệu” giới thiệu 128 ca khúc nhạc sĩ đã viết trong suốt 60 năm, từ năm 1951 đến cuối đời, 2010. Với khối lượng ca khúc này, trong đó có nhiều ca khúc được nhạc sĩ sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỉ 20, ông xứng đáng đứng vào hàng ngũ các bậc trưởng lão trong làng sáng tác tân nhạc của Việt Nam.
Những ca sĩ ở A Lưới cũng lặn lội đường xa về Huế biểu diễn ca khúc của người nhạc sĩ đã dành nhiều tình cảm cho đồng bào A Lưới |
Ca khúc của nhạc sĩ Minh Phương hầu hết được ông viết ra từ thực tiễn cuộc sống học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta. Những bài hát có với tên gọi và ca từ thật mộc mạc, giản dị nhưng được viết trên những giai điệu khỏe khoắn, hăng say và đầy khí thế của cuộc sống thực tiễn qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng hòa bình, như: Mùa về ta giữ, Đắp lại đường xưa, Có một mùa chiêm, Chung lòng sản xuất, Người dân công, Cây lúa và anh…
Một trong những thế mạnh trong sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Minh Phương là khai thác chất liệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các vùng miền, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Vì vậy, các ca khúc của ông không chỉ chân thành, gần gũi, mang đầy hơi thở của cuộc sống và dễ đi vào lòng người, mà còn mang đậm âm hưởng dân ca và bản sắc dân tộc, như: Người Cờ Ho xuống núi, Đêm rừng già, Ngày hội rừng xanh…
Phần 2 của tuyển tập - “Bên cánh màn nhung” giới thiệu 80 kịch bản sân khấu, gồm kịch nói, ca kịch, ca cảnh, kịch bản thông tin và tiểu phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhiều vở kịch mang tầm tư tưởng lớn về truyền thống cách mạng cả trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như các vở: Bão tố Trường Sơn, Dấu ấn Trường Sơn, Gió rừng…
Cũng có những vở có tính triết lý cuộc đời sâu sắc, là chuyện đời nhân nghĩa cảm động, là bài học về nhân cách, hay phê phán thói hư tật xấu, cửa quyền, tham nhũng, như: Huyền thoại về rừng, Một khoảng trời xanh, Mưa rừng, Ngược chiều, Sương tan, Bức điện khẩn…
Đọc nhiều kịch bản sân khấu của nhạc sĩ Minh Phương mới thấm thía tình yêu sâu sắc của ông đối với con người, cuộc sống, quê hương, đất nước và sự trân quý của ông đối với các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là về đạo đức, lòng nhân ái…
Qua những thông điệp mà nhạc sĩ Minh Phương gửi gắm vào nội dung các vở kịch, vào suy nghĩ và hành động của các nhân vật, có thể cảm nhận được tính cách trung thực, thẳng thắn, tâm hồn đa cảm và tấm lòng nhân hậu, đầy tình thương yêu đối với con người, cuộc sống và thiên nhiên của ông.
Phần 3 của tuyển tập - “Muôn sắc” giới thiệu 8 tác phẩm là những công trình nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý về dân ca, dân nhạc, dân vũ, nhạc cụ dân tộc các vùng miền thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhất là dân ca, dân nhạc, nhạc cụ dân tộc của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế sau này.
Phần cuối của tuyển tập mang tên “Những điều cảm nhận” tập hợp 12 bài viết của các tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu về các tác phẩm, công trình âm nhạc, văn học, sân khấu, nghiên cứu, sưu tầm của nhạc sĩ Minh Phương.
Đây là những bài viết không chỉ đơn thuần về chuyên môn với những ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng các tác phẩm, công trình của nhạc sĩ Minh Phương mà còn thể hiện tình cảm trân trọng, thương quý đối với nhân cách, đạo đức nghề nghiệp và tài năng của người nghệ sĩ đáng kính: nhạc sĩ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Trương Minh Phương.
Ông Trương Minh Tuấn - con trai cố nhạc sĩ chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi tổ chức được buổi giới thiệu tuyển tập của ba tôi. Tuy chưa đầy đủ nhưng những tác phẩm này đã nói lên tất cả tấm lòng của ông đối với quê hương, đất nước, bạn bè và tất cả mọi người”.
Sinh thời, nhạc sĩ Minh Phương được bạn bè, đồng nghiệp kính phục: “Nhạc sĩ Minh Phương là một nhạc sĩ có tâm, có tài. Ông không ngại đi bất cứ đâu, dù xa đến đâu ông cũng sẵn sàng đi để được trải nghiệm và được viết, sáng tác. Nhạc sĩ Minh Phương luôn để lại trong lòng anh em chúng tôi ấn tượng về một người làm việc hăng say, hết mình”, nhạc sĩ Lê Phùng tâm sự.
Cố nhạc sĩ Minh Phương (1931-2010) tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi còn là thiếu sinh quân. Trải qua nhiều vị trí công tác rồi nghỉ hưu cho đến lúc mất, dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn là một trong những người đi và viết nhiều nhất trên nhiều lĩnh vực, cả sáng tác âm nhạc, văn học, sân khấu và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian… Ông là một trong những văn nghệ sĩ lão thành đã gắn bó, cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho dải đất miền Trung – Tây Nguyên nói chung và Bình Trị Thiên nói riêng.
Hơn 30 giải thưởng của Trung ương, địa phương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng nhiều Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương của Nhà nước và các bộ, ban, ngành là những ghi nhận xứng đáng về những đóng góp, cống hiến của nhạc sĩ Minh Phương vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, văn nghệ quần chúng ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung và Bình Trị Thiên nói riêng.
Tuyển tập “Rừng hát” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc tháng 1/2015, là một công trình xuất bản tác phẩm văn hóa nghệ thuật khá đồ sộ, công phu, chất lượng, được tuyển chọn, in ấn từ nỗ lực của gia đình nhạc sĩ Minh Phương và Nhà xuất bản Văn học để giới thiệu đến bạn đọc những sáng tác và nghiên cứu tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực sáng tác âm nhạc, văn học, sân khấu và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian của cố nhạc sĩ Minh Phương.