Rộn ràng mùa hái lộc xuân ở Thái Nguyên
Ngay từ đầu Tháng Giêng, người dân ở các xóm thuộc xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã chuẩn bị vào vụ chè xuân đầu năm với mong ước một năm hái được nhiều lộc may mắn.
Vụ chè xuân bắt đầu từ giữa tháng Giêng đến cuối tháng Hai âm lịch. |
Từ sáng sớm, nhiều người dân thuộc các xóm Tân Ấp 1, Tân Ấp 2, xóm 7 đã tất bật ra các bãi chè xuân để thu hoạch.
Theo người dân ở đây, chè xuân là những búp chè non mọc lên sau khi cây chè bị đốn để lại gốc khoảng 30-40cm tùy loại. Đây là vụ chè đầu tiên trong năm, mầm được mưa xuân tưới tốt nên còn được gọi là chè lộc. Hái chè xuân chính là đi hái lộc.
Người dân bắt đầu thu hoạch chè xuân. |
Tay thoăn thoắt hái chè, chị Nguyễn Thị Thu Hòa (người trồng chè ở xóm 7 xã Phúc Thuận) chia sẻ: "Một vụ chè chính nhà tôi thu về hơn tạ chè khô. Còn vụ xuân này thì ít hơn, khoảng 30-40kg. Chè xuân ít nhưng lại là vụ đầu nên càng phải chăm sóc kĩ càng và hái thật cẩn thận, nếu không sẽ hỏng cả vụ chè chính sau đó".
Theo người dân xã Phúc Thuận, giá chè tươi từ đầu năm đến nay khoảng hơn 20.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cùng kì năm ngoái.
Những người thu hoạch chè chủ yếu là hàng xóm hái đổi cho nhau. |
Chè xuân cần hái cẩn thận nếu không sẽ hỏng cả vụ chè. |
Tại một số hộ gia đình ở xã Phúc Thuận, chè xuân chủ yếu thu hoạch rồi bán tươi cho các nhà sản xuất. Rất ít gia đình lựa chọn làm chè khô trong vụ này. Nguyên nhân là vì số lượng chè xuân thu hoạch không nhiều, để làm chè khô phải qua khá nhiều công đoạn, phức tạp và tốn kém chi phí.
Trước đây, người trồng chè thường quan niệm hái búp chè đúng kỹ thuật là phải một tôm hai lá. Nhưng giờ đây, người làm chè ở Thái Nguyên không còn duy trì cách thu hái truyền thống này.
Đa phần họ sản xuất chè theo nhu cầu thị trường hoặc theo đơn đặt hàng của người mua. Khách hàng thích chè đinh hay chè nõn… thì họ sẽ thu hái nguyên liệu đáp ứng đúng tiêu chí của người mua. Và quy trình chế biến, cung ứng chè vụ xuân cũng nằm trong “quy luật” chung này.
Những búp chè xuân mơn mởn được ví như món lộc đầu năm đối với người trồng chè ở Thái Nguyên. |
Chè sau khi thu hái cần được làm ráo nước nên phải rải đều trong những chiếc nong, nia xếp ngay ngắn trên sàn nhà. Lớp chè được hong khô thường có độ dày 10-15 cm. Người ta dùng quạt điện thổi cho những búp chè nhanh ráo nước.
Thu hái xong nhưng chưa chế biến, chè có thể bảo quản nhưng không quá 6 tiếng vì để lâu thì chè sẽ bị ôi, chất lượng thành phẩm sẽ giảm đi rất nhiều, giá bán vì thế thấp hơn.
Trong quá trình thu hái, vận chuyển và bảo quản, những người nông dân cần cù ấy không để chè búp tươi bị dập, ôi ngốt. Sau đó, họ tiến hành diệt men, vò, rũ tơi chè rồi mới cho vào tôn sao khô trên bếp lửa.
Lưu Tuyết