Rẻ nhất khu vực, khách sạn 5 sao vẫn vắng khách
Mặc dù mở cửa du lịch trở lại nhưng những ngày cuối năm, khách sạn 5 sao tại quận Hoàn Kiếm Hà Nội vẫn còn trống khá nhiều phòng dịp Tết.
Chị Đỗ Thị Linh, nhân viên khách sạn, cho hay, lượng khách quốc tế tới Hà Nội chưa phục hồi như thời điểm trước dịch. Khoảng 40% khách đặt phòng là người địa phương và du khách trong nước, 60% là du khách nước ngoài. Mức giá khách sạn này đưa ra dịp Tết không tăng, thậm chí còn ưu đãi cho một số khách đặt từ sớm. Giá phòng dịp Tết chỉ từ 4 triệu đồng/phòng/đêm.
Ông Nguyễn Thành Trung (nhân viên kinh doanh tại Hà Nội), nói thêm, chỉ cần bỏ ra tầm 3 triệu là đặt được khách sạn 5 sao tại Hà Nội. Với số tiền này, khách du lịch khó có thể đặt được phòng khách sạn 5 sao ở Bangkok hay Singapore. “Năm ngoái, nhiều khách sạn 5 sao khuyến mãi, gia đình mình tranh thủ giá rẻ để trải nghiệm”, ông Trung cho biết.
Khảo sát trên các trang đặt phòng trực tuyến, số lượng phòng trống dịp Tết tại các khách sạn 5 sao còn khá nhiều và mức giá tương đối hợp lý.
Trên trang đặt phòng trực tuyến Traveloka, khách sạn 5 sao khu vực Hoàn Kiếm dịp Tết có giá từ 3 triệu đồng/phòng/đêm trở lên. Đơn cử, Apricot Hotel Hanoi và Hotel de l'Opera Hanoi - Mgallery có giá từ 3 triệu đồng/phòng/đêm. Sofitel Legend Metropole Hanoi có giá từ 8 triệu đồng/phòng/đêm.
Khu vực khác, nhiều khách sạn 5 sao có giá phòng rẻ hơn. Khách sạn Grand Vista Hanoi hay Wyndham Garden Hanoi Hotel chỉ từ 1,5 triệu đồng/phòng/đêm.
Báo cáo thị trường khách sạn của đơn vị nghiên cứu Savills Việt Nam cho thấy, các khách sạn tại Hà Nội ghi nhận mức độ hồi phục tốt hơn nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách MICE (hội thảo, hội nghị). Dẫu vậy, giá phòng trung bình vẫn thấp hơn so với năm 2019 từ 15-20%.
Tại Hà Nội, nguồn cung gồm 10.179 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao, ổn định theo quý và 1% theo năm. Trong quý IV/2022, công suất thuê đạt 49%, tăng 7 điểm % theo quý và 22 điểm % theo năm.
Giá phòng trung bình đạt 2,5 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 15% theo quý và 41% theo năm. Cả năm 2022, công suất thuê tăng 16% lên 39% và giá phòng trung bình đạt 2,2 triệu đồng/phòng/đêm. Việc mở cửa góp phần hồi phục thị trường khách sạn, tuy nhiên chủ yếu vẫn dựa vào nhu cầu du lịch trong nước.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, đánh giá, khách sạn 5 sao ở Việt Nam đang rẻ nhất trong khu vực và cần thêm một chút thời gian để phục hồi.
Trước khi đại dịch xảy ra, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới khi thực hiện hơn 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2019. Quốc gia này mở cửa biên giới vào ngày 8/1, các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối lại và dự kiến số chuyến sẽ gia tăng. Ngành khách sạn sẽ được hưởng lợi từ sự trở lại của du khách Trung Quốc.
Vắng bóng khách Trung Quốc, thị trường Hàn Quốc đang dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 với 965,4 nghìn lượt, chiếm 26,4% tổng số khách quốc tế, theo Tổng cục Du lịch. Thị trường khách Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 137,9 nghìn lượt khách, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách đạt bình quân 45%/tháng. Từ tháng 7/2022 trở đi, lượng khách Ấn Độ hàng tháng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Chris Ely, Trưởng Bộ phận quản lý tài sản mảng khách sạn, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường khách sạn sẽ sớm đón làn sóng khách du lịch quay trở lại mạnh mẽ sau đại dịch.
Năm 2023, thị trường khách sạn Hà Nội dự kiến sẽ có 8 dự án với 1.300 phòng. Từ năm 2024 trở đi sẽ có 60 dự án với khoảng 10.300 phòng ra mắt thị trường.
Duy Anh