Quy trình để ban hành Luật hiện nay như thế nào?
![]() |
TS. Lê Hồng Sơn, người "tuýt còi" một thời của Bộ Tư pháp. |
Theo TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp), quy trình hiện nay để cho ra đời một Luật do Quốc hội ban hành, hay Nghị định của Chính phủ, Pháp lệnh của Quốc hội, thậm chí cả Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, thành phố là khá kín kẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đảm bảo yêu cầu đã dẫn đến những sai sót không đáng có.
TS. Lê Hồng Sơn cho biết, đối với mỗi Luật do Quốc hội ban hành, trước khi công bố Luật, cần phải thực hiện tuần tự các bước sau: Thứ nhất, lập chương trình. Thứ hai, tổ chức soạn thảo, trong quá trình tổ chức soạn thảo cần thành lập ban soạn thảo; tổ chức lấy ý kiến tham gia; thẩm định; Chính phủ xem xét trước khi quyết định trình Quốc hội; thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, sau đó mới chính thức trình Quốc hội. Thứ ba, Quốc hội tiến hành thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án Luật, tùy vào từng Luật mà có thể thông qua tại một, hai, hoặc ba kỳ họp. Bước thứ tư, cũng là bước cuối cùng là công bố Luật.
![]() |
Đối với Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước tiên cần phải lập chương trình; sau đó tổ chức soạn thảo (tương tự như các dự án Luật); tiếp đến là thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án Pháp lệnh, việc thông qua có thể sau một hoặc hai kỳ họp của Quốc hội. Sau đó mới đến bước cuối cùng là công bố Pháp lệnh.
Đối với Nghị định của Chính phủ, trước tiên phải có đề xuất xây dựng Nghị định, sau đó sẽ tổ chức soạn thảo, quá trình soạn thảo cần phải lấy ý kiến tham gia trước khi thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo. Sau cùng, Chính phủ sẽ xem xét, thông qua dự thảo.
![]() |
Đối với Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trình tự thực hiện gồm: Đề nghị xây dựng Nghị quyết; Tổ chức soạn thảo, soạn thảo dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến tham gia, thẩm định, UBND xem xét thảo luận, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình HĐND; HĐND thảo luận trước khi thông qua; Chủ tịch HĐND ký chứng thực Nghị quyết.
Chính sách pháp lý là quan điểm, chủ trương và các biện pháp cụ thể do Nhà nước xác lập và quy phạm hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và vai trò quản lý của nhà nước. Chính sách pháp lý là một loại, một phần cấu thành trên nền tảng chính sách chung. Do đó, TS. Lê Hồng Sơn cho rằng khi xây dựng và hoạch định chính sách pháp lý cần theo cách thức, phương pháp chung của việc hoach định và phân tích chính sách.
“Chính sách pháp lý phải làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cần chú ý hướng tới yêu cầu quy phạm hóa để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà Nhà nước cần điều chỉnh, cần tác động. Sản phẩm của chính sách pháp lý là giúp soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Muốn vậy, phải nắm được đặc trưng, yêu cầu của việc quy phạm hóa các chính sách,” TS. Lê Hồng Sơn nói.
Xét về bản chất, chính sách để phục vụ cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi được ban hành, nó là cơ sở, nền tảng, linh hồn cho pháp luật, cho thể chế, là công cụ quan trọng đưa Chính sách vào thực tiễn quản lý, thực tiễn thi hành pháp luật. Đây là một dạng chính sách tổng hợp, đặc thù, kết nối nhiều loại, nhiều cấp chính sách khác nhau
TS. Lê Hồng Sơn nhận định, những hạn chế lâu nay khi làm luật mà không làm chính sách chẳng khác nào xây nhà từ nóc, vừa thiết kế vừa thi công, đẽo cày giữa đường, hay vừa chạy vừa xếp hàng.
Tiêu chuẩn, căn cứ của chính sách pháp lý phải dựa trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến cơ sở của dự án, dự thảo văn bản được đề nghị chuẩn bị; Yêu cầu quản lý Nhà nước, điều kiện phát triển kinh tế xã hội bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, bảo đảm quốc phòng – an ninh; Đảm bảo cam kết quốc tế của Việt Nam; Chương trình hành động, yêu cầu điều hành của Nhà nước ở những nội dung liên quan; Bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các quy định của pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn.