Quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đã đạt gần 40% GDP
Một loạt các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn như Sabeco, Habeco, ACV… đã ráo riết lên sàn kể từ đầu tháng 11, khiến quy mô vốn hóa thị trường tăng nhanh. Theo tính toán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 18% về quy mô trong 11 tháng đầu năm 2016, cao hơn mức tăng 9% trong cả năm 2013 và 15% trong cả năm 2015.
Cùng với đó, số mã niêm yết cũng tăng nhanh trở lại, tăng 110 mã trong 11 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 năm qua. Tính đến đầu tháng 11/2016, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam ước đạt khoảng 1,77 triệu tỷ đồng, tương đương 38,5% GDP. Tuy nhiên, nếu so sánh với quy mô của các TTCK phát triển hơn trong khu vực Đông Nam Á thì quy mô TTCK Việt Nam hiện vẫn khá khiêm tốn.
Hiện mục tiêu của Chính phủ là tăng quy mô TTCK lên khoảng 70% GDP vào năm 2020 và từng bước đưa TTCK Việt Nam vào nhóm TTCK mới nổi. Ngoài ra, trong năm 2016, Ủy ban chứng khoán cũng khá tích cực trong việc tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng tính thanh khoản cũng như sự hấp dẫn của TTCK. Một số văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; Thông tư số 11 ngày 19/01/2016 hướng dẫn thị trường chứng khoán phái sinh nhằm tạo khuôn khổ pháp lý căn bản cho triển khai thị trường này.
Theo thông tin mới nhất, công tác chuẩn bị cho xây dựng hệ thống giao dịch và thanh toán cho TTCK phái sinh đang đúng kế hoạch và có thể sẵn sàng từ quý 1/2017. Do vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ có thêm các công cụ phái sinh, phục vụ cho hoạt động đầu tư trên TTCK ngay từ đầu năm 2017, qua đó giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường, thu hút nhà đầu tư mới tham gia và cũng là một bước tiến quan trọng giúp TTCK Việt Nam tiến gần hơn với các tiêu chuẩn để được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chuẩn của MSCI.