Quỹ Hỗ trợ - Nguồn trợ lực quan trọng cho hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển bền vững
Từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX ở Quảng Nam được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Nhờ đó đã đầu tư, mở rộng và phát triển bền vững.
Nhờ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, nhiều HTX đầu tư công nghệ sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Nhờ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam, HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) có điều kiện mở rộng quy mô trồng nấm.
Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang Nguyễn Thanh Vũ, cho biết, nếu không có khoản vay 1,4 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh thì HTX sẽ rất khó có đủ nguồn lực mở rộng nhà trại, sắm nguyên liệu, vật tư thiết yếu phục vụ trồng nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mèo - mộc nhĩ.
Ông Vũ kể, HTX thành lập đầu năm 2018 với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất manh mún trong ngành chăn nuôi tổng hợp và HTX hoạt động không mấy thành công. Tuy nhiên, được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, HTX đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ chăn nuôi tổng hợp sang trồng nấm công nghệ cao và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2019, để mở rộng quy mô sản xuất, HTX đã đầu tư nhà trại rộng 2.400m2 với kinh phí 7,3 tỷ đồng. Sau khi thẩm định thực tế, xem xét phương án sản xuất kinh doanh, hồ sơ thủ tục pháp lý, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã quyết định giải ngân 1,4 tỷ đồng cho HTX nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang.
Nhờ nguồn vốn này, HTX đã an tâm đầu tư trồng nấm, mở rộng thị trường tiêu thụ với các loại sản phẩm tươi như bào ngư, sản phẩm khô như nấm mộc nhĩ, nấm linh chi; và chế biến tinh là trà linh chi Hoàng Hải…. Đến nay, diện tích trại nấm của HTX lên đến hơn 1.800m2, có nhà xưởng kiên cố, từng bước ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ cao trong sản xuất. Hoạt động của HTX đã tạo ra doanh thu bình quân hàng năm đạt hơn 5,4 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 580 triệu đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho 11 lao động chính và 8 lao động thời vụ với mức lương 3,6 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng gì HTX nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang, ở Quảng Nam, nhiều HTX được hưởng lợi nhờ nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng từ cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và vốn lồng ghép các chương trình, dự án. Nhờ đó, nhiều HTX nông nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc để sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho HTX thực hiện liên doanh liên kết, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Tổ hợp tác Hồng Trung Đại Sơn của ông Lê Hồng Trung (thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) là 1 ví dụ. Bốn năm trước, ông Trung đã đi khảo sát, học hỏi, tham quan mô hình nuôi heo rừng và gà thả đồi sau đó trở về quê, ông Trung đã nuôi 10 con heo rừng nái và gà. Được sự giúp đỡ và hướng dẫn của địa phương, ông Trung đã thành lập tổ hợp tác Hồng Trung Đại Sơn.
Đầu năm 2018, tổ hợp tác Hồng Trung Đại Sơn được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho vay 200 triệu đồng, ông Trung đã đầu tư trang trại chăn nuôi heo rừng và gà đồi rộng 3ha. Một năm sau, tổ hợp tác đã trả đủ cả gốc lẫn lãi nguồn vốn vay trên.
Tháng 3/2021, ông Trung cùng với 6 thành viên khác thành lập HTX nông nghiệp Hồng Trung Đại Sơn. Bên cạnh chăn nuôi, HTX còn liên kết trồng hơn 20ha rừng keo, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Từ hiệu quả hoạt động mô hình HTX kiểu mới, các HTX đã vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Có thể nói, mặc dù nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách mới chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới, phát triển THT, HTX song đây là yếu tố quan trọng, là nguồn trợ lực khá lớn để thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX từng bước phát triển vững chắc và là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, HTX nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang đã đầu tư trồng nấm, mở rộng thị trường, tạo ra doanh thu bình quân hàng năm đạt hơn 5,4 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 580 triệu đồng/năm. |
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/12/2018, quy mô vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh là 67,438 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ ngân sách cấp ban đầu là: 15 tỷ đồng; vốn ngân sách cấp hàng năm (2013 – 2018): 51,386 tỷ đồng; vốn bổ sung từ các hoạt động Quỹ: 1,050 tỷ đồng). Tổng dư nợ gốc đến ngày 31/12/2018 là: 44,518 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2012 – 2018, Quỹ đã thực hiện hỗ trợ vốn cho 241 dự án, như cho vay đầu tư: 207 dự án, hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc: 34 dự án với tổng số lượt tiền giải ngân là 96,335 tỷ đồng cho 176 đơn vị, trong đó có 54 HTX và 122 tổ hợp tác, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp.
Thông tin từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2021, nguồn vốn của quỹ do UBND tỉnh cấp, tổng vốn điều lệ là 96 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến ngày 31/5/2021 là 82,5 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến cuối năm 2020, quỹ đã hỗ trợ vốn cho 293 đơn vị, trong đó có 103 HTX và 190 tổ hợp tác, tổng tiền giải ngân 166,885 tỷ đồng. Được tháo gỡ một phần về vốn, các HTX, THT làm ăn hiệu quả đã giải quyết việc làm 2.990 người, trung bình mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ nguồn vốn cho vay, Quỹ đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho THT, HTX, giúp cho nhiều THT, HTX liên kết, mở rộng, đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp ra đời đã góp phần đảm bảo ổn định lâu dài về đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho hơn 2.100 lao động thường xuyên (chiếm tỷ lệ 70%) và không thường xuyên (30%), cải thiện mức thu nhập cho người lao động tại các vùng nông thôn từ 2 triệu lên 3-4 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc quản lý, kiểm soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Nguồn vốn vay được thẩm tra, thẩm định tính hiệu quả của dự án. Đồng thời, tổ chức giám sát độc lập của Kiểm soát viên, giám sát của cơ quan điều hành, của Hội đồng quản lý Quỹ, của Liên minh HTX tỉnh về việc sử dụng nguồn vốn vay, tiến độ đầu tư dự án, giám sát các đơn vị chậm trả nợ gốc, nợ lãi vay. Nhờ đó, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi vay cơ bản kịp thời, đúng hạn.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng có thể khẳng định, kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, cùng với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX ra đời đã thúc đẩy kinh tế hợp tác của tỉnh có bước phát triển, nội dung phương thức hoạt động HTX từng bước được đổi mới, đa dạng về ngành nghề và quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh.
Liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, hộ thành viên trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm từng bước hình thành. Kinh tế hợp tác, HTX là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguyên Vũ