Quảng Ngãi nuôi thành công cá tầm 'siêu' tăng trọng
Sau thời gian học hỏi kỹ thuật, phân tích điều kiện khí hậu, nguồn nước tại địa phương, cuối năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây bắt đầu nuôi thí điểm loài cá tầm xứ lạnh bên cạnh dòng suối Mang He (xã Sơn Bua).
Từ nguồn vốn 300 triệu đồng, Trạm Khuyến nông Sơn Tây đầu tư xây bể, đấu nối ống nhựa lớn dẫn nước suối trong vắt vượt đường rừng hơn 400m dẫn về khu vực hồ nuôi cá tầm bên dưới chân núi.
Vụ đầu tiên, Trạm mua 500 cá tầm giống (mỗi con nặng 70gram) từ Lâm Đồng về nuôi trong năm hồ lót phủ bạt. Mỗi hồ nuôi rộng 100m vuông, có độ sâu 1m nước.
Ông Trần Qúy, Trưởng Trạm Khuyến nông Sơn Tây cho biết, nhờ khí hậu ôn hòa, môi trường nước suối trong lành, nước trong hồ liên tục thay đổi nên sau tám tháng nuôi, trung bình mỗi con cá tầm tăng trọng hơn 3 kg.
Từ vụ thí điểm ban đầu thành công, Trạm Khuyến nông Sơn Tây tiếp tục thả nuôi 2.000 con giống bên dòng suối Mang He.
"So sánh cùng thời gian nuôi ở Sapa, Đà Lạt, cá tầm ở huyện vùng cao Sơn Tây trọng lượng tăng gần gấp đôi. Đây là tín hiệu vui mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương", ông Qúy lạc quan.
Theo ông Qúy, nhiệt độ nóng hoặc lạnh quá đều khiến cho cá tầm chậm lớn, dễ sinh dịch bệnh. Nhiệt độ nước suối đầu nguồn xã Sơn Bua (huyện vùng cao Sơn Tây) luôn ổn định, mùa đông thấp nhất chỉ 16 độ C, mùa hè cao nhất cũng chỉ 25 độ, là điều kiện lý tưởng để cá tầm lớn nhanh.
Từ lâu, cá tầm được biết đến là một loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và tiêu hoá. Thịt cá tầm chứa nhiều vitamin A, phốt pho, selen và vitamin B6, B12 ngoài ra còn chứa nhiều omega 3 và omega 6 tốt cho sức khỏe mọi lứa tuổi.
Theo TRÍ TÍN (VnExpress)