Quảng Nam: Mai toe toét nở, cúc "ngậm miệng cười"
Còn một tháng nữa mới Tết, nhưng nhiều cây mai đã trổ bông sớm, trong khi đó, những vườn cúc đá bị phá hỏng được trồng lại thì mới nhú mầm, chưa kịp ra nụ, nhú bông... Dự báo, nghề làm cây cảnh, hoa chơi sẽ có một Tết buồn!
Trong những năm trở lại đây, người dân Quảng Nam đã vận dụng vị trí địa lý cũng như khí hậu để làm kinh tế, thoát nghèo bằng nghề trồng cây cảnh phục vụ cho nhu cầu sắm tết. Nguồn vốn đầu tư vào những mô hình này không hề nhỏ, công sức vun trồng vất vả nhưng lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Năm nay, bão lũ kéo dài, mưa nhiều, người trồng cây cảnh đang phải đối mặt với nguy cơ mất Tết, chưa kể những nhà đầu tư nhiều còn phải mang nợ.
Trò chuyện với chúng tôi trong vườn quất vàng úa, trơ trọi lá và chổng gốc. Bà Nguyễn Thị Hiệp (thôn Bàu Ốc thượng, xã Cẩm Hà) giọng buồn rầu trăn trở: "Nhà trồng được 200 chậu quất bán tết nhưng cơn bão 11 quật ngã hết hơn 150 chậu, số còn lại cũng bị lay gốc hết, kéo theo đó là những đợt mưa kéo dài, chừ biết cố gắng mà chăm cho nó, chứ cũng không hy vọng là sẽ sống được tới Tết".
Cạnh nhà bà Hiệp, ông Lê Nghi trồng 500 chậu quất cảnh, thế nhưng hơn 350 chậu bị bão quật, vỡ chậu. Đang dọn dẹp mớ chậu vỡ chất thành đống, ông Phụng buồn buồn: “Mấy năm trước, giờ chừ biết mình lời được bao nhiêu rồi, còn năm ni đã thấy mất vốn. Trồng được 500 chậu mà bão làm hư hết hai phần, số còn lại gia đình cố gắng đi vay mượn thêm tiền người thân mua phân bón, tướ tiêu cứu vớt. Những vẫn vậy đó mấy chú, bão đi qua cũng gần một tháng rồi mà cây của tôi giờ vẫn còn chưa tươi tỉnh lại. Số cây còn lại này, tiền đổ vào chăm cũng xấp xỉ bằng 500 cây độ trước. Nhiều chứ có phải ít mô. Thế mà nghe cũng mong manh quá chú ạ, cầu trơi cho cây tươi tốt, bán gỡ lại chút ít đã mất. Coi như cả gia tài tui đổ vô đây, được thì đỡ phần nào, còn không thì trắng tay và còn vương thêm nợ nần nữa”.
Hiện nay ở TP Hội An còn có hàng trăm hộ với khoảng 200.000 chậu quất bị mưa bão dập tơi tả. Ai cũng chung với nhau số phận mất trắng, làm cả năm nhưng bão tới là sạch vốn.
Cùng cảnh ông Nguyễn An (thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà) lo lắng: “Từ hôm bão liên tiếp đến chừ tui gieo giống lần ni là lần thứ 2 rồi đây, lần trước gieo là canh cho thời gian phục vụ bán Tết, kiếm thêm chút tiền, rứa mà mưa bão làm ngập úng, hư hại hết trơn rồi. Chừ gieo lại biết là trễ bán Tết nhưng phải làm, làm để bán rằm tháng Giêng chứ không thì mất vốn. Mấy ngày ni thấy trời lạnh và sương mù tui lo quá, mưa thêm nữa là hư sạch”.
Ông Anh, một người trồng hoa cho biết, ông đầu tư 60 triệu đồng để trồng 1.000 chậu cúc tại một khoảnh đất thuê trên đường 30-4. Mấy tháng qua mưa bão triền miên làm vỡ chậu, rụng lá, hư rễ; số còn lại bị gió và mưa kéo dài nên năng suất năm nay chắc chắn giảm nhiều. “Năm ni người trồng hoa sẽ lỗ hoặc may lắm hòa vốn. Bão vô làm hư hại hoa, cây cảnh một phần, phần khác người dân bị bão lũ triền miên nên kinh tế suy giảm, dẫn đến sức mua giảm. Cứ năm nào có bão lũ nhiều là năm đó nghề trồng hoa, cây cảnh cũng khốn khó theo”. Đó là chưa kể, sau bão mưa là nắng ấm khiến những chậu cây, hoa còn giữ lại được ngậm đủ nước, thấy ấm đua nhau bung nở, đến Tết thì chẳng còn bông mà người trồng cũng chỉ biết nhìn nhau thở dài.
Hiện nay Hội An trồng khoảng 200.000 chậu quất cảnh và thu lợi từ trồng hoa khoảng 32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, mấy đợt bão trong mùa mưa bão vừa qua đã làm hỏng 30% diện tích trồng của người dân. Chính quyền Hội An cũng đã có hỗ trợ giống hoa ly, phong lan hoặc một vài giống hoa ngắn ngày. Còn các loại giống cây dài ngày như quất, bonsai... người dân phải tự đầu tư.