Quảng Bình: Nhà thầu ròng rã đòi nợ suốt 15 năm, 3 đời chủ tịch xã chưa hẹn ngày trả
Các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2005, thế nhưng suốt gần 15 năm qua, trải qua 3 đời Chủ tịch, UBND xã Phù Hóa vẫn “chây ỳ” không trả nợ nhà thầu.
3 đời Chủ tịch xã giữ món nợ hơn 163 triệu đồng
Năm 2019, Infonet có bài “Quảng Bình: UBND xã Phù Hóa “hứa” trả tiền nợ xây dựng từ…14 năm trước”, phản ánh về việc UBND xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nợ tiền xây dựng cơ bản một số công trình từ năm 2006, đến nay vẫn không thanh toán tiền công nợ cho nhà thầu.
Công trình Trường mầm non thôn Trường Sơn-Trường Xuân hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 11/2005. |
Cụ thể, năm 2005, Tổ hợp xây dựng Hoàng Ngọc do ông Hoàng Ngọc Tâm (sinh năm 1958, trú tại TP Đồng Hới) làm tổ trưởng nhận thầu xây dựng một số công trình do UBND xã Phù Hóa. Các công trình xây dựng gồm: Lớp học mầm non thôn Trung Tiến, lớp học mầm non thôn Phú Cường, lớp học mầm non thôn Trường Sơn-Trường Xuân, Văn phòng một cửa (4 phòng) của UBND xã Phù Hóa. Hầu hết các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2005.
Theo hợp đồng, UBND xã Phù Hóa phải thanh toán cho ông Hoàng Ngọc Tâm số tiền 423.646.000 đồng. Thế nhưng, suốt 15 năm, 3 đời Chủ tịch xã này mới chỉ mới trả cho nhà thầu 260.000.000 đồng; còn nợ 163.646.000 đồng; mặc dù đã được Nhà nước cấp vốn, xã vẫn không làm thủ tục hồ sơ để thanh toán.
Bà Hoàng Thị Ngọc Hạnh (con gái ông Hoàng Ngọc Tâm, trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới) phản ánh: “Công trình hoàn thành, bàn giao cho xã đưa vào sử dụng từ 15 năm nay, nhưng xã mới thanh toán một phần. Ba tôi đã có rất nhiều tờ trình yêu cầu xã thanh toán công nợ, nhưng họ không phản hồi”.
Công trình Văn phòng một cửa (4 phòng) của UBND xã Phù Hóa đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng xã chưa trả hết nợ cho nhà thầu thi công. |
“Năm 2019, những công trình nợ đọng này đã được huyện Quảng Trạch cấp ngân sách trả nợ, nhưng UBND xã Phù Hóa đã làm mất hồ sơ gốc. Giờ chúng tôi phối hợp với xã làm hồ sơ thì phải theo các quy định xây dựng mới, có nhiều cái khác ngày đó nên rất khó khăn. Đơn vị thiết kế các công trình trước đây là Trung tâm tư vấn thiết kế huyện Quảng Trạch đã giải thể từ năm 2012 rồi thì có làm lại hồ sơ cũng không thể có con dấu xác nhận”, bà Hạnh thông tin thêm.
Xã 'dọa' trả lại tiền cho Nhà nước, bỏ mặc nhà thầu
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Phù Hóa cho biết: “UBND xã đang giao cho Kế toán ngân sách phối hợp với nhà thầu làm việc với Kho bạc huyện và Phòng Tài chính Kế hoạch của UBND huyện để hướng dẫn hồ sơ.
Vì hồ sơ làm từ năm 2005, đến nay nhiều thủ tục pháp lý phải làm lại. Giờ xã nhờ bên Kho Bạc với bên Phòng Tài chính hướng dẫn xem có được hay không. Hồ sơ giờ làm thiếu những cái gì thì bên kế toán nắm chứ tôi cũng không rõ. Việc này lãnh đạo huyện cũng chưa có chỉ đạo, vì xã chỉ mới báo cáo với Phòng Tài chính huyện để xử lý đã”.
Bản đối chiếu công nợ giữa UBND xã Phù Hóa và Tổ hợp xây dựng Hoàng Ngọc lập năm 2006. |
Làm việc với phóng viên về vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch khẳng định: “Việc xã làm mất hồ sơ thì xã phải vào đơn vị tư vấn lấy hồ sơ về. Mặc dù là thế hệ trước làm, nhưng UBND xã lần này phải chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị tư vấn để làm lại hồ sơ để chi trả. Chi phí thì ngân sách phân bổ hết cả rồi”.
Về vấn đề này, bà Hạnh cho rằng: “Nhà thầu chỉ phối hợp làm những hồ sơ nội dung liên quan, chứ không thay nhà đầu tư làm hồ sơ được. Trong khi đó, 15 năm qua, Luật Xây dựng có nhiều thay đổi; các đơn vị liên quan đến hồ sơ cũng thay đổi, con dấu thay đổi; nhiều người chuyển công tác hay đã chết thì làm sao làm lại hồ sơ được. Hồ sơ trước đây nói là không đầy đủ thì làm sao UBND xã thanh toán được 260.000.000 đồng cho đơn vị nhà thầu chúng tôi”.
Bà Hạnh cũng rất bức xúc phản ánh việc ông Trần Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Phù Hóa hù dọa “nếu nhà thầu không làm hồ sơ để thanh toán thì xã sẽ trả lại tiền cho Nhà nước”.
Theo quan điểm của bà Hạnh, cấp trên cần giám sát, chỉ đạo UBND xã Phù Hóa thực hiện việc xử lý nợ đọng, tránh kéo dài hết năm này, qua năm khác.
“Tiền trả nợ đã phân bổ từ lâu, nhưng chúng tôi không biết sự chậm trễ nhiều năm này là do năng lực của cán bộ xã yếu kém, hay do động cơ nào khác mà chúng tôi không biết để đáp ứng. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo huyện Quảng Trạch quan tâm chỉ đạo cũng như thành lập đoàn kiểm tra để có kết luận rõ ràng về việc xử lý nợ đọng của UBND xã Phù Hóa”, bà Hạnh bày tỏ.
Thanh Hà