Quảng Bình: Kỳ lạ cảnh hàng ngàn người dân vái lạy.... "rắn thiêng"
Rắn nước được tôn làm …“mệ”
Ở thôn La Hà Tây xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn từ lâu có một ngôi mộ vô chủ. Người dân địa phương ở đây cho rằng đó là ngôi mộ của một phụ nữ nghèo khổ, ăn xin trong vùng. Bà mất trong những năm chống Pháp và được người dân địa phương chôn cất. Vị trí ngôi mộ nằm sát bờ sông, gần bến đò người dân thường qua lại để đi chợ, đi đò.
Xã Quảng Văn bao bọc bởi sông Gianh, nên trước đây chưa có cầu, chủ yếu đi lại bằng đò ngang. Người dân trong vùng khi đi chợ qua vị trí ngôi mộ cũng dừng lại khi thắp hương, có khi tay không khấn vái cầu được mua may bán đắt; súc vật bị bệnh chưa có thuốc thú y người dân cũng đến thắp hương lên ngôi mộ xin. Sĩ tử đi thi thố cũng dừng lại cầu khấn mong được phù hộ cho may mắn...
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến thắp hương, vái lạy ...rắn nước. |
Ngôi mộ vô chủ được nhân dân đắp bằng đá cuội, qua những trận lụt ngôi mộ bị bào mòn, hư hỏng thì người dân mỗi khi qua lại mang đá đắp lên, lâu dần hình thành nên ngôi mộ bằng đá cuội. Qua thời gian, người dân trong làng có một niềm tin vào ngôi mộ và được người dân gọi là ngôi mộ “mệ” (bà-tiếng địa phương).
Tuy nhiên hơn 1 tuần qua, trên ngôi mộ vô chủ này bỗng dưng xuất hiện 2 con rắn một to, một nhỏ. Hai con rắn này thuộc loại rắn nước, con nhỏ đã bị chết chỉ còn lại con to hơn đang còn sống. Con rắn này ban ngày thì ra nằm trên mộ, tối lại chui vào các khe đá để lẫn trốn. Người dân địa phương thấy vậy, cho rằng vong linh “mệ” hiện về nên đã thắp hương, dâng lễ cầu khấn.
Chẳng bao lâu, người tứ phương ùn ùn kéo về. Trước là vì hiếu kỳ, sau lại sắm lễ dâng lên cúi xin, quỳ lạy để cầu khấn con rắn. Từ đó, con rắn được tôn làm “mệ”. Mấy hôm nay, con rắn cũng “mệt mỏi”, chỉ nằm một thế trên mộ, không cử động, đầu phải gác lên bông hoa cúc. Những người trong thôn La Hà Tây phục vụ tại mộ cho rằng do khói hương với người đông, phạm vi mộ chật nên trải qua nhiều ngày “mệ” bị mệt”, và mong cho “mệ” sống qua khỏi Rằm tháng Giêng!?.
Xã báo cáo lên Thị, đang chờ ý kiến chỉ đạo
Vị trí ngôi mộ vô chủ xuất hiện con rắn nước nằm bên bờ sông, cạnh con đường đê bao mặt đường bê tông, cách trụ sở UBND xã Quảng Văn chừng 500m. Xung quanh là sông, ruộng và một phía là nghĩa trang địa phương.
Người dân kéo về dâng hương, lễ vật, tiền bạc lên "mệ rắn nước" để cầu lộc, cầu duyên, cầu tài và ...cầu trúng xổ số, lô đề. |
Ngôi mộ rộng 7-8m2, xung quanh được xây bao bằng đá, phía trên ngọn đắp bằng đá cuội. Sau khi có rắn xuất hiện và các câu chuyện không rõ căn cứ bên lề được thổi phồng, nhiều người đến thắp hương, hoa, dâng nước, rải tiền và xin lộc.
Để phục vụ khách “cúng bái rắn”, một số người trong thôn La Hà Tây bỏ công việc gia đình, ngày đêm làm công việc “thủ từ” ngôi mộ và “mệ” rắn.
Chị Mai Thị Thúy Thảo (Thôn La Hà Tây) cùng mẹ bán hoa và lễ vật cạnh ngôi mộ cho biết: “Mệ (con rắn) xuất hiện từ trước Tết, nhưng khi đó không ai để ý, sau đó thì mọi người phát hiện ra mới đem hương, lễ ra thắp lên mộ. Những ngày sau, có con rắn nhỏ xuất hiện phía bên kia đường, người dân khấn xong đưa về bên mộ. Hai con rắn cứ quấn quýt lấy nhau. Được mấy ngày thì con nhỏ bị chết, chỉ còn lại “mệ”. Giờ “mệ” ra khỏi hang là nằm, chứ không bò trườn như trước nữa”.
Một trong những người túc trực cạnh ngôi mộ, ông Thụ (thôn La Hà Tây) cho biết: “Việc gia đình giờ cũng bỏ, phục vụ "mệ", khi nào “mệ” không còn nữa thì mình đi về làm việc nhà. Người dân đến viếng và công đức mong muốn xây dựng lại ngôi mộ khang trang hơn. Tất nhiên phía chính quyền thị xã Ba Đồn và xã Quảng Văn cũng như lực lượng chức năng có về xem rồi. Nhưng đây là việc dân tự nguyện, nên chỉ có công an xã túc trực bên ngoài đường đảm bảo an ninh trật tự thôi”.
Con rắn nước sau nhiều ngày "chịu đựng" khói hương nghi ngút, phải nằm gác đầu lên những bông hoa cúc. |
Về sự việc dân tụ tập, tôn sùng và cúng bái “mệ” rắn nước, trao đổi với báo điện tử Infonet, ông Trần Văn Trọng-Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho hay: “Chuyện con rắn xuất hiện trên mộ vô danh là có thật, đây là việc tâm linh nên người dân tự phát do vậy xã gặp khó khăn trong việc quản lý, xử lý. Xã đã cắt cử lực lượng công an và dân quân tự vệ giữ gìn trật tự, đồng thời đã báo cáo sự việc lên UBND thị xã Ba Đồn. Việc người dân đóng góp tiền là có, và đến nay việc quản lý tiền dâng cúng xã giao cho Ban Công tác mặt trận thôn La Hà Tây lập tổ quản lý kiểm soát cả tiền dâng cúng, công bố công khai cho người dân, chứ việc này xã không can thiệp”.
Khi PV đề cập đến việc người dân tụ tập, biểu hiện mê tín dị đoan có tổ chức, không đúng thờ tự quy định tâm linh ở các cơ sở được công nhận, tổ chức thu tiền và giữ tiền không có cơ sở của quy định cho phép thì ông Trọng bối rối nói “việc người dân dâng tiền thì trước mắt giao cho Ban mặt trận thôn La Hà Tây giữ và công bố, sau đó xin ý kiến cấp trên để sử dụng. Người dân cứ rải tiền lên mộ mà không có ai quản lý tiền này cũng không được. Xã báo cáo lên Thị, đang chờ ý kiến chỉ đạo”.
Cuồng tín
Nhiều người thử vận may lý giải hiện tượng rắn xuất hiện trên mộ, nhưng đó đều là những suy đoán chưa được kiểm chứng.
Ông Hoàng Ngọc Sơn (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tình Quảng Bình) cho rằng, “đôi rắn xuất hiện trên mộ dân địa phương gọi là rắn nước. Loài này mùa đông ngủ, sang thời tiết ấm mới xuất hiện. Vào mùa Xuân là mùa sinh sản, nên rắn tìm bạn tình sống theo cặp, (khác với một số loại rắn giao hợp tập thể).
Đặc điểm của loài rắn nước là sinh hoạt và kiếm ăn ban ngày, ban đêm trốn trong hang hốc, khác với các loài cạp nông, cạp nia… thì kiếm ăn ban đêm, ban ngày trốn ngủ. Nên giữa đồng không mông quạnh, ngôi mộ đó có những khe hở, cặp rắn đó sinh sống, trùng hợp với sự bắt gặp của người dân nên được tôn thờ. Loài rắn khi vào mùa sinh sản thường nhận biết mùi của bạn tình, nên hưng phấn hoặc giảm phản ứng với hoạt động ngoại cảnh, nên việc con người tiếp cận mà rắn không chạy trốn cũng là bình thường”.
Một số người dân cho rằng ngôi mộ vô chủ bên đường, cạnh bờ sông lại có nhiều đá cuội thích hợp trú ẩn cho loài rắn nước trong mùa sinh sản (?) |
Trước đây, một vụ việc tương tự vào năm 2011 ở thôn Bến Hến, (xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) bên một ngôi mộ cô Viên (mất thế kỷ 18) xuất hiện mấy tổ kiến vàng trên cây lòng đỏ trứng gà cạnh mộ. Người dân cũng cúng bái, đồn thổi và dựng rạp để thu hút sự hiếu kỳ từ những người khắp nơi về dưng hương, dâng lễ. Sự việc sau đó được chính quyền xã Liên Minh và huyện Đức Thọ giải thích với người dân và giải tán.
Gần đây nhất là ngày 16/2/2018 (mùng 1 Tết), một người dân xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An sau khi đi thắp hương tại nhà thờ tổ về đi qua cầu Lim, thuộc địa phận xóm Hòa Thành, xã Hiến Sơn thì thấy một con cá nổi lên. Sau đó, người này đã gọi người dân trong xã đưa kích điện để bắt cá nhưng đều không được.
Trong năm ngày Tết vừa qua, con cá này liên tục nổi lên, lặn xuống quanh quẩn ở một khu vực trong kênh nước. Nhiều người dân cho đó là "cá thần" nên không ai dám đánh bắt nữa. Sự việc trên khiến nhiều người kéo nhau đến xem. Một số người dân thậm chí còn đem hoa quả, bánh kẹo và nhang đến đặt trên bờ để cúng cá.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn đã tuyên truyền giải thích để người dân được hiểu, không tụ tập đông người tránh tin vào mê tín dị doan.