Các tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng ở Lục địa Đen
Nói tới tổ chức khủng bố, nhiều người thường nghĩ đó là thuật ngữ khái quát chỉ những nhóm khủng bố bạo lực hoành hành ở Trung Đông, song thực tế là khủng bố có ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Chủ nghĩa khủng bố xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 20. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với thế giới hiện đại. Ngày nay, nói đến chủ nghĩa khủng bố là chủ yếu đề cập đến chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực. Đặc điểm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là cơ sở tư tưởng sâu sắc có lịch sử hơn 1500 năm. Những người ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cho rằng tư tưởng của đạo Hồi ưu việt hơn các tôn giáo khác và “Thánh chiến” (Jihad) được coi là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi tín đồ Hồi giáo.
Do tình hình chính trị kém ổn định, sự thiếu vắng các cơ cấu chống khủng bố được đào tạo bài bản, châu Phi đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động của các nhóm khủng bố Hồi giáo khét tiếng nhất thế giới, với sự xuất hiện các chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL), Al-Qaeda, Al-Shabab al-Mujahedin và Boko Haram. Những năm gần đây, tiềm lực của các tổ chức này tại Lục địa Đen ngày càng tăng lên trong bối cảnh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) ở Trung Đông đối mặt với nguy cơ thất bại.
Các khu vực hoạt động mạnh nhất của các nhóm khủng bố quốc tế ở châu Phi. |
Tổ chức khủng bố quốc tế ISIL được đại diện bởi các chi nhánh “ISIS Đại Sahara”, “Ansar Beit al-Maqdis” ở Ai Cập, “ISIS Tây Phi”, “Quân đội Sahara” ở Libya và “ISIS Somalia”. Tổng số chiến binh của tổ chức này ước tính có thể lên tới 15.000 người. Lãnh đạo của tổ chức này chủ yếu huy động lực lượng gồm các chiến binh đến từ Syria và Iraq. ISIS ở Tây Phi được thành lập vào tháng 8/2016 do sự chia rẽ nội bộ của tổ chức Boko Haram. Một nhóm chiến binh Boko Haram ủng hộ xây dựng một Nhà nước Hồi giáo thống nhất ở các nước Tây Phi.
Các chiến binh thuộc nhánh khủng bố này hoạt động chủ yếu tại ngã ba biên giới Nigeria, Niger và Chad. Nhóm Ansar Beit al-Maqdis được thành lập vào tháng 5/2011, gồm những phần tử cực đoan của các bộ lạc Sinai và Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas từ Dải Gaza. Tổ chức này hoạt động ở phía Đông Bắc và Nam Ai Cập. Tổ chức “Quân đội Sahara” ở Libya được thành lập vào năm 2018 bởi các phần tử ISIS đến từ Iraq. Lực lượng này hoạt động ở vùng đồi núi của miền Trung Libya. Nhóm “ISIS Đại Sahara” được thành lập vào năm 2015, chủ trương ủng hộ việc chống lại các chế độ “bội đạo”.
Lực lượng chủ yếu của tổ chức này là các chiến binh du mục Tuareg, hoạt động ở Đông Nam Mali, phía Bắc Burkina Faso và ở phía Tây Niger. Tổ chức “ISIS ở Somalia”, gồm các chiến binh thề trung thành với ISIS, xuất hiện từ tháng 10/2015 sau sự chia rẽ nội bộ của tổ chức khủng bố Somali Al-Shabab al-Mujahedin. Nhóm này hoạt động ở phía Đông Bắc bang Puntland (Somalia), được sự hỗ trợ tài chính và hậu cần từ lực lượng ISIS ở Yemen.
Đại diện của tổ chức Al-Qaeda ở châu Phi là tổ chức Al-Qaeda Hồi giáo Maghreb (AQIM), hoạt động từ năm 1997, với mục tiêu thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo Đại Sahara” ở phía Bắc châu Phi, được hậu thuẫn bởi các phần tử Hồi giáo từ Algeria, Mauritania, Mali và Niger, cũng như các bộ lạc du mục Tuareg, tìm cách duy trì quyền kiểm soát đối với các tuyến đường di cư bất hợp pháp và buôn lậu đi qua khu vực. Một nhánh của AQIM ở Tây Phi là nhóm Jamaat Nusrat al-Islam val-Muslimin, được hình thành vào tháng 3/2017 sau khi hợp nhất của các tổ chức cấp tiến tại khu vực Sahara (gồm Sahel Ansar al-Din, Mặt trận Giải phóng Masina và Al-Murabitun).
Mục tiêu chính của nhóm này là lật đổ Chính phủ Algeria, Mali, Mauritania, Libya, Tunisia, Niger, Burkina Faso, Chad, Côte d'Ivoire, Guinea và Senegal. Ngoài ra, AQIM còn có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức Ansar Al-Sharia và Katiba Okba ibn Nafaa. Các nhóm này thường xuyên tấn công khủng bố nhằm vào người nước ngoài và khách du lịch.
Một tấm ảnh tuyên truyền của ISIS. |
Tổ chức “Boko Haram” được thành lập năm 1995 tại Maiduguri/Nigeria. Tổ chức này có tên gọi chính thức là “Hiệp hội những người tuân thủ việc truyền bá những lời dạy của nhà tiên tri và thánh chiến”, tuy nhiên được biết đến nhiều hơn với cái tên “Boko Haram”. Mục tiêu chính của “Boko Haram” là giành chính quyền và thiết lập quyền kiểm soát một số khu vực dầu mỏ ở Nigeria, Niger và Chad bằng cách tấn công vũ trang các đơn vị quân đội và dân thường. Tuy nhiên, số lượng thành viên “Boko Haram” đầu hàng Quân đội Nigeria đang ngày càng gia tăng, khiến tổ chức này đang mất dần vị thế. Trong tương lai gần, “Boko Haram” có thể sẽ không còn tồn tại nột cách độc lập và hợp nhất với tổ chức ISIS ở Tây Phi.
Tổ chức “Al-Shabab al-Mujahedin” đang tìm cách giành chính quyền và thiết lập chế độ Hồi giáo ở Somalia. Các phần tử cực đoan của tổ chức này thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng của Phái bộ Liên minh châu Phi và dân thường ở Somalia, Kenya và các khu vực giáp biên giới với Ethiopia. Các nguồn tài trợ chính cho Al-Shabab al-Mujahedin là buôn lậu vũ khí, ma túy và kiểm soát các tuyến đường di cư bất hợp pháp.
Ngoài các tổ chức lớn trên, tại các tỉnh phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nhóm “Các lực lượng dân chủ thống nhất” đang hoạt động, mục đích là thay đổi chế độ cầm quyền ở Cộng hòa Uganda. Tổ chức này có hơn 2.000 chiến binh. Các nhóm Hồi giáo cực đoan “Katiba Serma” , “Katiba Al-Mansour” và “Tolebe Fulani” hoạt động trên lãnh thổ Mali. Các nhóm này tích cực thúc đẩy các tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong người dân địa phương, thường xuyên tấn công dân thường và đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật.
Tình hình chính trị nội bộ bất ổn, tình trạng nghèo đói của dân cư, tham nhũng và di cư bất hợp pháp góp phần tăng cường hoạt động của các tổ chức khủng bố tại châu Phi. Để ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực cần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, siết chặt luật chống khủng bố, duy trì cơ cấu thực thi pháp luật và cảnh sát ở trình độ chuyên nghiệp cao, đồng thời cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Hạ Thảo (lược dịch)
Tàu khu trục Mỹ bất ngờ xuất hiện gần lối vào lãnh hải Nga ở Vịnh Phần Lan
Avia.pro đưa tin, một tàu khu trục của Mỹ được trang bị tên lửa Tomahawks mới đây đã được phát hiện gần Vịnh Phần Lan.
Cuối năm 2022, Nga sẽ đưa tên lửa siêu thanh Zircon vào sử dụng
Hải quân Nga sẽ sử dụng tên lửa siêu thanh Zircon trước cuối năm nay.