Quản lý tốt chất lượng thiết bị vô tuyến điện để tránh gây can nhiễu
Phiên họp toàn thể Ủy ban Tần số vô tuyến điện lần thứ 30 ngày 13/1/2017 |
Chiều ngày 13/1/2017, Ủy ban Tần số Vô tuyến điện quốc gia đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ 30. Chủ tịch Ủy ban - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị toàn thể lần thứ 30 nhằm tổng kết hoạt động của Ủy ban, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện của cả ba khối kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trong năm 2016; trên cơ sở đó xây dựng chương trình công tác của năm 2017 nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đánh giá, năm 2016 có nhiều khó khăn và thách thức, trên cả phương diện kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh. Đóng góp vào thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân có sự nỗ lực lớn lao của ngành thông tin vô tuyến điện. Viễn thông và thông tin di động tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh theo xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới. Nổi bật là xu hướng số hóa và các dịch vụ băng rộng di động trong các lĩnh vực phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, thông tin dùng riêng, khí tượng, môi trường, y tế, ngân hàng.
Hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện trong năm 2016 tiếp tục được duy trì thường xuyên và tích cực, đẩy mạnh triển khai thực thi Luật Tần số vô tuyến điện, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tần số.
Sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan dân sự, quốc phòng, an ninh trong Ủy ban đã đảm bảo cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện, bao gồm cả các hệ thống phục vụ mục đích kinh tế xã hội và mục đích quốc phòng, an ninh phát triển và hoạt động thông suốt, giải quyết nhanh và dứt điểm nhiều vụ can nhiễu.
Ông Đoàn Quang Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban cho biết, năm 2016 thông tin vô tuyến tiếp tục phát triển mạnh và giữ vai trò trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Thông tin di động phát triển mạnh, đến cuối năm 2016 là 128,2 triệu thuê bao, doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đạt trên 400.000 tỷ đồng. Bộ TT&TT đã cấp phép cung cấp dịch vụ 4G và các doanh nghiệp đang tích cực triển khai hạ tầng mạng lưới để sớm cung cấp dịch vụ trên quy mô lớn. Hạ tầng viễn thông di động tiếp tục được phát triển theo hướng trở thành hạ tầng viễn thông thông tin, tạo nền móng cho phát triển kinh tế số.
Các mạng dùng riêng, các hệ thống thiết bị sử dụng tần số tiếp tục phát triển và trở nên phổ biến trong xã hội như thiết bị bộ đàm, điện thoại kéo dài, camera không dây, thiết bị radar ô tô, hệ thống thu phí phương tiện giao thông tự động, hệ thống thông tin vô tuyến cho các tuyến metro, tàu điện tại các thành phố lớn, các thiết bị điều khiển từ xa.
Lĩnh vực truyền hình đã chuyển đổi thành công sang công nghệ số mặt đất và thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 13 tỉnh, thành phố. Kết quả này đánh dấu bước chuyển mới của lĩnh vực truyền hình, đáp ứng nhu cầu thu xem truyền hình chất lượng cao của nhân dân, đồng thời giải phóng băng tần 700Mhz sử dụng cho vô tuyến băng rộng.
Xu hướng sử dụng tần số cho hệ thống dẫn đường hàng không, hàng hải tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó xu hướng sử dụng tần số cho các hệ thống cung cấp ứng dụng Internet of Things đã được triển khai và chuẩn bị hệ thống thu phí đường bộ không dừng, các hệ thống thông tin quan trắc môi trường, thiết bị giám sát truyền tải điện, thiết bị cho nhà thông minh.
Trên thế giới, Liên minh viễn thông quốc tế đã thông qua bộ tiêu chí cho công nghệ di động 5G, các cơ quan quản lý và nhà mạng cũng cung cấp thiết bị đang thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa hệ thống thiết bị, tìm kiếm băng tần để đáp ứng bộ tiêu chí này. Ở Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp viễn thông cũng quan tâm nhiều đến 5G.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Văn phòng Ủy ban và các Tiểu ban, năm 2017 cần thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau: Phối hợp tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng về sửa đổi bổ sung Quy hoạch phổ tần số quốc sau khi được ban hành. Xây dựng báo cáo Thủ tướng nêu rõ hiện trạng sử dụng phổ tần số của các thiết bị phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, các bất cập và giải pháp xử lý trước mắt cũng như về lâu dài, trên khía cạnh kỹ thuật cũng như giải pháp về đầu tư.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy hoạch tần số, đề nghị các Bộ thực hiện tốt việc quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện để tránh gây can nhiễu. Bộ TT&TT sẽ phân công lại công tác quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện giữa các đơn vị thuộc Bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
“Việc thông tin vô tuyến phát triển mạnh kéo theo nhu cầu sử dụng tần số của các Bộ, ngành trong các lĩnh vực ngày càng cao, nguy cơ xung đột dẫn đến can nhiễu lẫn nhau ngày càng nhiều. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là giữa Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong quản lý tài nguyên tần số, nhất là trong công tác quy hoạch tần số và trong quản lý chất lượng các thiết bị, khí tài có sử dụng tần số vô tuyến”, Bộ trưởng nhấn mạnh.