Quản chặt việc đăng ký tài khoản và lọc nội dung để làm “sạch” TikTok
Lời toà soạn: TikTok đang trở thành một "vấn nạn" với những nội dung nhảm nhí, xuyên tạc, vi phạm pháp luật. Đi kèm đó là tình trạng tin giả tràn lan và các thông tin "nhạy cảm" về chính trị. Đáng chú ý thuật toán của nền tảng này lại cổ vũ cho điều đó xảy ra và nguy hiểm hơn khi người dùng TikTok đều là người trẻ. Báo VietNamNet xin chuyển đến độc giả loạt bài phản ánh về những "vấn nạn" trên nền tảng này.
Nhiều nội dung nhảm nhí, độc hại và tin giả đang lan truyền trên TikTok xuất phát từ một trong những nguyên nhân chính là nền tảng cho phép người dùng đăng ký quá dễ dãi và “ẩn danh”.
Trả lời VietNamNet, anh Khôi Nguyễn, một người làm Digital Marketing tại TP.HCM cho biết, muốn sản xuất ra nội dung “bẩn” và lan truyền trên TikTok là điều vô cùng dễ dàng. Có thể dùng các tool (công cụ) tạo ra hàng loạt tài khoản, sau đó tiếp tục dùng thêm tool tự động đưa các clip về những kênh này và trở thành "trend" (xu hướng) trên nền tảng.
Để hạn chế việc lan truyền tin giả và clip nhảm nhí, độc hại, TikTok cần có chế tài trong việc tạo tài khoản của người dùng.
“Về thuật toán là chuyên ngành nên rất khó nhận xét, nhưng nếu TikTok đưa ra các chế tài trong việc tạo tài khoản, chẳng hạn giống như Facebook, người dùng phải sử dụng tên thật và cung cấp giấy tờ cá nhân do Chính phủ cấp sẽ hạn chế được tình trạng tạo nick ảo tràn lan. Khi người dùng được định danh tài khoản sẽ không dám làm chuyện bậy vì cơ quan chức năng dễ dàng tìm được họ nếu đưa các nội dung vi phạm”, anh Khôi Nguyễn phân tích.
Đồng quan điểm, anh Nhân Nguyễn, CEO của NhanNguyen Digital, cho rằng, không thể giảm nội dung nhảm nhí nếu nền tảng không có bộ lọc và tiêu chuẩn cộng đồng tốt hơn, vì với những video nhiều người thích xem, thuật toán TikTok sẽ tiếp tục đề xuất. Muốn hạn chế, đầu tiên nền tảng phải có bộ lọc nội dung tốt và quản chặt việc tạo tài khoản. Facebook trước đây cũng thả lỏng quy trình tạo tài khoản nên nhiều nội dung nhảm nhí xuất hiện, nhưng từ khi bắt người dùng đổi về tên thật và đưa cả giấy tờ cá nhân để chứng minh thì vấn nạn này giảm hẳn.
Ông Bá Phạm, một chuyên gia trong lĩnh vực Digital tại Hà Nội chia sẻ, câu chuyện về hạn chế tin giả, tin độc hại trên TikTok đến từ 3 bên: nền tảng, người dùng và cơ quan chức năng. Với nền tảng, phải bổ sung các chính sách quản lý người dùng, bao gồm cả việc chịu trách nhiệm cho nội dung mình đưa lên; Cải thiện thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm duyệt nội dung tự động, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chính trị; Ra mắt các danh hiệu được xác thực cho những người làm nội dung và nhà cung cấp dịch vụ nội dung để người dùng tự nhận biết được những kênh chính thống; Hạn chế các kênh thông tin, trang giả mạo lấy danh nghĩa báo chí chia sẻ tin tức chưa qua kiểm duyệt...
Về phía người dùng, cần lựa chọn xem kênh có nội dung chính thống, có xác nhận bởi TikTok hoặc cơ quan nhà nước; Không đưa ra nhận xét, phán đoán nóng vội, có tính kích động, cần tìm hiểu thông tin trước khi chia sẻ với người tiếp theo; Cùng lên án hành vi lan truyền tin tức giả mạo và liên tục báo cáo các kênh vi phạm lên nền tảng để tạo môi trường lành mạnh hơn.
Với cơ quan chức năng, cần làm việc sâu hơn với TikTok nhằm thống nhất quy định về quản lý; thiết lập thế 3 chân giữa đơn vị quản lý nhà nước với nền tảng và người dùng. Từ đó, một mặt dễ dàng tổ chức định hướng, một mặt khiến những người sáng tạo nội dung có trách nhiệm với sản phẩm đưa lên và nền tảng cũng ý thức được tầm quan trọng của mình.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả của báo VietNamNet cũng nêu ý kiến, vai trò của con người rất quan trọng. Nếu người dùng không xem và tìm kiếm nội dung “bẩn” thì thuật toán của TikTok sẽ không gợi ý hay lan truyền những nội dung đó được.
Về vấn đề này, anh Đoàn Trí Gia Tường, một người dùng mạng xã hội ở TP.HCM cho rằng, người dùng nên thả tim các clip lành mạnh, hạn chế tương tác với nội dung rác thì nền tảng sẽ tăng dần các nội dung "sạch". Tuy nhiên, đây là giải pháp không triệt để khi thuật toán của TikTok vẫn ép người dùng xem theo vấn đề mà số đông đang quan tâm.
Một đề xuất anh Gia Tường đưa ra rất đáng chú ý là giới hạn độ tuổi tham gia TikTok từ 20 trở lên, lúc đó con người có thể miễn dịch phần nào với nội dung “bẩn” trên nền tảng.
Trên thực tế, TikTok đã giới hạn độ tuổi, khi cấm người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản. Nhưng đây chỉ là hình thức bởi quy định hiện nay quá dễ dãi nên trẻ em có thể khai gian tuổi để tham gia mạng xã hội này.
Lê Mỹ