Phương pháp mới giúp sản phụ quẳng gánh lo "gái chửa là cửa mả"
Các kỹ thuật viên tại Trung tâm điện quang, BV Bạch Mai đang thực hiện kỹ thuật nút mạch |
Ngày 16/4/2019, Bệnh viện Bạch Mai công bố đã triển khai thành công phương pháp nút mạch điều trị chảy máu sau sinh. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu, nhanh, chính xác - không cần phẫu thuật để cứu sống sản phụ cũng như bảo tồn tử cung để mang lại cơ hội sinh đẻ và đảm bảo chất lượng cuộc sống sau điều trị.
GS.TS Phạm Minh Thông - Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm điện quang cho biết: chảy máu sau sinh là tai biến sản khoa thường gặp nhất và là 1 trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu cho mẹ hoặc phải cắt bỏ tử cung. Nguyên nhân dẫn đến chảy máu sau sinh có thể tại chỗ: do vỡ tử cung, rách cổ tử cung, rách âm đạo, rách tầng sinh môn, rau cài răng lược, rau tiền đạo hoặc những bệnh lý toàn thân gây rối loạn, ảnh hưởng đến chức năng đông, cầm máu cho sản phụ dẫn đến tình trạng chảy máu sau sinh. …
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, tiến hành trong 4,5 năm cho thấy, trong số 20.215 sản phụ, có tới 636 bệnh nhân chảy máu sau sinh (chiếm tỷ lệ 3,1%), 9 bệnh nhân bị tắc mạch (1,4%), 5 trường hợp tắc mạch sau cắt tử cung cần truyền nhiều máu và nằm viện dài ngày dẫn đến có nhiều biến chứng. Các bệnh nhân trên nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Từ cuối năm 2018, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai phương pháp nút mạch điều trị bảo tồn chảy máu sau sinh, cứu sống 5 trường hợp. Chỉ trong 1 tháng gần đây, bệnh viện đã cứu được 3 sản phụ chảy máu nặng sau sinh. Chị Trương Thị Y (36 tuổi, ở Hải Dương) - một trong 5 sản phụ may mắn được cứu sống bằng phương pháp mới cho biết, sau nhiều năm chữa chạy hiếm muộn, chị đã mang bầu.
Nhưng khi song thai đến tuần thứ 36, chị được mổ cấp cứu lấy thai do nhiễm độc thai nghén. Kết quả mổ lấy thai được một bé trai 1,8kg và 1 bé gái 2kg tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Do có nhiễm độc thai nghén trước đó, chức năng gan bị ảnh hưởng gây chảy máu quá nặng sau sinh, chị phải truyền rất nhiều máu và phải cắt tử cung. Nhưng sau đó, vẫn không khắc phục được tình trạng chảy máu, chị được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, được áp dụng kỹ thuật nút mạch để cầm máu. Sau khi thực hiện, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát, huyết áp của bệnh nhân dần cải thiện, tình trạng toàn thân ổn định. Hiện tại cả 3 mẹ con đều khỏe mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền - Phó giám đốc Trung tâm Điện quang: “Nút mạch là 1 kỹ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, nhanh, chính xác để cầm máu - khi xác định cháy máu từ động mạch, cứu sống sản phụ cũng như bảo tồn tử cung mang lại cơ hội cho khả năng sinh đẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện kỹ thuật này, các bác sỹ sẽ đưa dụng cụ vào động mạch đùi, chụp động mạch chậu trong hai bên, và cách nhánh mạch vùng tiểu khung 2 bên cũng như động mạch tử cung để tìm ra điểm chảy máu. Sau đó, bơm chất gây tắc vào điểm cháy máu để cầm máu. Bệnh nhân chỉ cần gây tê nên rất ít ảnh hưởng đến cả mẹ và con ngay sau sinh”.
PGS Nguyễn Xuân Hiền cho biết điểm ưu việt của phương pháp này là thay vì các nhà sản khoa phải mổ, thắt động mạch bằng con đường từ ngoài vào thì ở đây, chúng tôi “thắt mạch” từ trong ra; tìm điểm chảy máu trong khi phẫu thuật thì rất khó khăn vì ổ bụng rộng, bệnh nhân lại đang trong tình trạng cấp cứu, nhưng khi chụp cắt lớp, tìm được chính xác điểm chảy máu rồi thì việc can thiệp nút mạch nội mạc sẽ nhanh, chính xác và an toàn hơn nhiều. Thời gian để tiến hành kỹ thuật chỉ mất từ 30-45 phút tính từ lúc bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Kỹ thuật được bảo hiểm y tế chi trả theo qui định nên chi phí không nhiều. Yêu cầu quan trọng để thực hiện kỹ thuật cấp cứu này là đủ nhân lực với 2 bác sĩ chuyên khoa can thiệp mạch máu, 1 kỹ thuật viên, 1 bác sỹ gây mê hồi sức và trang thiết bị: máy chụp mạch, dụng cụ nút mạch (các ống thông, dây dẫn, keo nút mạch, coils, hạt nút mạch....)
GS. Phạm Minh Thông cho biết, những cơ sở y tế có máy chụp mạch, có bác sĩ được đào tạo thì đều có thể triển khai kỹ thuật này. “Là một bệnh viện tuyến cuối và thực hiện chức năng chỉ đạo tuyến, bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tuyến dưới nếu đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và nhân lực, góp phần hạn chế tình trạng chuyển tuyến kéo dài làm mất cơ hội sống của sản phụ”, GS Thông nhấn mạnh.