Phụ nữ thời 4.0 sướng hay khổ?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã có những chia sẻ với PV về những vấn đề của gia đình thời 4.0 nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Là nhà nghiên cứu văn hoá, theo ông trong xã hội hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ phải đối diện với những vấn đề nổi cộm gì?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Bất cứ cái gì cũng có hai mặt của nó. Phụ nữ trẻ nói riêng, giới trẻ nói chung, bây giờ được hưởng nhiều tự do hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ cũng gặp nhiều vấn đề.
Tự do cũng gắn liền với tự lập. Nhiều cặp vợ chồng trẻ giờ đây phải đối mặt với việc làm sao kiếm được tiền để đủ trang trải cho cuộc sống có quá nhiều nhu cầu cần chi trả. Công việc xã hội nhiều cũng đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình ít đi.
Nếu đó là những gia đình không sống cùng với bố mẹ, không có người giúp việc thì áp lực dành cho vợ chồng là rất lớn. Chăm sóc, dạy dỗ con cái chưa bao giờ là công việc đơn giản.
Chính vì thế, mâu thuẫn trong các gia đình trẻ gia tăng, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn.
Nhưng dù sao, xu hướng gia đình trẻ sống riêng, tự lập vẫn không thay đổi trong xã hội đô thị và hiện đại, và chúng ta cũng vẫn cần phải đối mặt, thích nghi với nó thay vì lên án, phàn nàn về nó.
Với vai trò là một người chồng, người cha, ông có đồng tình với quan điểm phụ nữ thời nay đã sướng hơn rất nhiều không? Phụ nữ có còn bị đối xử bất bình đẳng trong chính mỗi gia đình, dòng họ, hay rộng lớn hơn ở ngoài xã hội hay không?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tất nhiên là không có phụ nữ chung chung, có người thế này, có người thế khác, mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng nhìn chung, tôi cho rằng phụ nữ giờ đây sướng hơn nhiều so với trước kia.
Đối với mỗi người, được tự do làm những điều mình thích, thích những điều mình làm, đó chính là hạnh phúc. Giờ đây, nhờ có sự tiến bộ trong xã hội, đặc biệt là trong nhận thức, đa phần phụ nữ đã đạt được điều đó.
Họ có sự giúp đỡ tự nguyện từ phía đàn ông, hỗ trợ công việc nội trợ của các thiết bị máy móc, tự chủ nhiều hơn trong kinh tế, và quan trọng hơn cả chính là nhận thức của xã hội, của đàn ông về phụ nữ đã khác trước rất nhiều.
Những người đàn ông không còn phó mặc phụ nữ với những việc mà trước kia mặc định là dành cho họ, không còn coi phụ nữ là đối tượng lệ thuộc, yếu đuổi, không làm được việc gì lớn, không đóng góp gì cho kinh tế gia đình...
Thậm chí, giờ đây phụ nữ còn được tôn vinh rất nhiều qua những ngày như sinh nhật, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày của mẹ, Ngày của vợ hay các phong trào, tổ chức dành riêng cho phụ nữ... Tức là xã hội đã nhìn nhận phụ nữ bằng ánh mắt khác, thừa nhận nhiều hơn.
Bản thân tôi trước kia, khi nhìn phụ nữ lái xe ô tô cảm thấy kỳ lạ, hay thấy phụ nữ hút thuốc, có hình xăm cũng vậy. Nhưng giờ cũng đã thấy quen và thừa nhận đó cũng là công việc, quyền của phụ nữ mà không có sự phân biệt nam nữ thái quá như trước kia nữa. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, phụ nữ đã bình đẳng nhiều hơn đối với nam giới.
Tất nhiên, ở đây, ở đó, lúc này, lúc kia không phải lúc nào người phụ nữ cũng có được cảm giác bình đẳng như vậy, nhưng về cơ bản, sự phát triển xã hội cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đem lại cho phụ nữ Việt Nam một vị thế mới, tự tin hơn trong xã hội đương đại.
Nói theo cách của ông, dường như phái yếu giờ không còn yếu?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Từ những câu chuyện phụ nữ hiện nay cũng làm những công việc như nam giới cho chúng ta thấy rằng khái niệm phái yếu không còn hoàn toàn đúng nữa. Khái niệm phái yếu giờ phải được hiểu theo nghĩa khác trước kia.
Phái nữ vẫn yếu vì luôn cần sự che chở, yêu thương, trân trọng từ phái mạnh chứ không phải yếu trong việc không làm được những việc mà phái nam có thể làm.
Có những vấn đề liên quan đến đặc thù giới tính thì có thể không thay đổi, còn những vấn đề khác thì chúng ta đã thấy sự bình đẳng.
Thực ra, có những thứ được coi như “bản năng” hay “tự nhiên” trong một xã hội hay một thời kỳ - thí dụ như vai trò nào đó của người phụ nữ - có thể rất khác biệt trong một nơi khác. Cho nên chúng ta cần phải hết sức cân nhắc khi coi làm một việc gì đó là “thiên chức” duy nhất của phụ nữ.
Từ cách tiếp cận bình đẳng giới này, chúng ta sẽ thấy những đóng góp của nữ giới đối với gia đình và xã hội, từ đó trân trọng hơn vai trò của phụ nữ.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Gia đình là nơi duy nhất chờ mong bạn trở về. |
Giá trị vật chất chi phối nhiều các mối quan hệ, trong đó quyết định không nhỏ tới hạnh phúc của mỗi gia đình hiện nay. Sứt mẻ, thậm chí đổ vỡ trong hôn nhân nhiều khi cũng do tiền mà ra, ông có cảm thấy đau lòng về việc này?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một lý do phổ biến trong xã hội ngày hôm nay. Chúng ta đang sống trong xã hội nơi mà nền kinh tế thị trường đang vận hành với đầy đủ các quy luật của nó.
Ngoài những tác dụng tích cực, một trong số những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường là sự đề cao một cách thái quá lợi ích vật chất, làm mờ đi những giá trị tinh thần khác, cộng thêm những tác động khác của quá trình toàn cầu hoá, ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện truyền thông mới, khiến con người cá nhân đang được đề cao quá mức khiến cho những yếu tố đạo đức bị ảnh hưởng.
Khi chúng ta nghĩ về mình nhiều hơn nghĩ về người khác, nghĩ đến tiền bạc hay lợi ích vật chất nhiều hơn lợi ích tinh thần khác thì rõ ràng hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau sẽ càng rộng ra, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình cũng như đến đạo đức của cả xã hội.
Người trẻ chính là những người chịu ảnh hưởng rõ nhất của những tác động này, chính vì thế, chúng ta thấy tỷ lệ ly hôn, đổ vỡ trong hôn nhân tỷ lệ thuận với nhóm tuổi là vì lý do như vậy.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ông có lời nhắn gửi gì tới các gia đình nhằm “thuận vợ, thuận chồng” để cùng nhau “tát bể đông cũng cạn”?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Gia đình là thiêng liêng! Kinh nghiệm cho thấy rằng, những gia đình hạnh phúc luôn tạo ra những thành viên hạnh phúc. Hạnh phúc của một cá nhân luôn bắt đầu và kết thúc ở chính gia đình của mình. Vì vậy, chúng ta cần bắt đầu xây dựng tương lai cho mỗi con người từ việc giữ gìn hạnh phúc ở mỗi gia đình.
Gia đình là điều quan trọng nhất trên thế gian này nên mỗi chúng ta cần gìn giữ và nâng niu nó tốt nhất có thể. Hạnh phúc ấy không đến một cách tự nhiên mà cần có sự chung tay, thậm chí là hy sinh của mỗi thành viên trong gia đình.
Và tôi muốn nhấn mạnh lại một câu ai đó đã nói rằng: “Gia đình là duy nhất trên cuộc đời mà không gì có thể thay thế được, và cho dù bạn có đi bất cứ nơi đâu thì đây cũng là nơi duy nhất chờ mong bạn trở về”.
Xin cảm ơn ông!
Ngày Gia đình Việt Nam kỷ niệm lần thứ 20
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2020 rơi vào Chủ Nhật nên càng có ý nghĩa gợi nhắc và gắn kết hơn đối với các thành viên trong một nhà.
N. Huyền (thực hiện)