Phụ huynh thiết kế bài giảng điện tử đáp ứng trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ
Ngay từ đầu tháng 2, khi học sinh nghỉ học ở nhà để chủ động phòng tránh dịch bệnh, việc học trực tuyến đã được nhiều trường lựa chọn và thực hiện đến bây giờ. Để tăng thêm lựa chọn cho học sinh, hiện nay một số tỉnh đã triển khai việc dạy học qua truyền hình.
Thế nhưng việc dạy trực tuyến và dạy qua truyền hình chỉ thực sự mang lại hiệu quả cao với học sinh THCS và học sinh THPT. Còn với học sinh tiểu học thì việc học tập trực tuyến tại nhà sẽ khá khó khăn và bắt buộc phụ huynh phải đồng hành cùng con.
Ảnh minh họa |
Trước thực tế là không biết khi nào các con mới quay trở lại trường học, học online thì chủ yếu cô giáo giao bài tập cho các con làm mà không có tương tác nhiều với học sinh, nên nhiều phụ huynh nghĩ đến phương án là tự mày mò công nghệ để dạy con.
Từ ngày các con nghỉ học, sau khi đi làm về nhà nhiều phụ huynh đã tự mày mò, thiết kế các bài giảng điện tử giúp các con học hành.
“Các bài học đánh vần đều được tôi chuyển thể thành thơ, thậm chí còn biến tấu thành các hình ảnh hoạt hình vui nhộn qua phần mềm tôi tìm kiếm được trên mạng. Qua vài buổi, con gái tôi tỏ ra rất thích thú với những gì mẹ hướng dẫn và con tiếp thu cũng khá nhanh.
Tuy nhiên, để làm được điều này, tôi cũng phải mày mò các công cụ hỗ trợ, các phần mềm sẵn có và tham khao thêm ý kiến nhiều người khác. Cả ngày đi làm bận rộn thì việc tiếp cận với công nghệ mới để dạy con là điều bố mẹ phải cố gắng và thực sự kiên nhẫn”, chị Phạm Thị Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Chị Phạm Thị Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chủ động thiết kế bài giảng cho con. |
Chị Thảo tâm sự chị chưa bao giờ coi công nghệ là kẻ thù vì như vậy sẽ phải chiến đấu rất vất vả. Thay mình chiến đấu với nó mình chủ động thiết kế những bài giảng lý thú, bổ ích, tạo hứng thú cho con.
Ở góc độ khác, do tính chất công việc, nhiều cha mẹ khác đang sẵn sàng đáng đổi, dùng các thiết bị công nghệ để "mua chuộc" con trẻ, để trẻ ngoan ngoãn ngồi yên nhưng lại không lường hết hệ lụy của việc này.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay: “Khi trẻ sử dụng nhiều các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy vi tính, ti vi... sẽ dẫn đến rối loạn khả năng chú ý và nhận thức, không tập trung. Các rối loạn này nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời điểm phụ huynh cho trẻ sử dụng.
Bên cạnh đó, tâm tính của trẻ cũng có nhiều thay đổi, dễ cáu gắt, gây hấn với cha mẹ, trẻ chỉ chú ý vào các thiết bị này và thờ ơ với xung quanh. Xem ti vi, máy vi tính nhiều sẽ làm trẻ lười vận động... gây ra hàng loạt hệ lụy”.
Cũng theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Anh, để biến bất lợi thành cơ hội nhiều phụ huynh đã dành thời gian tìm hiểu về công nghệ, tham gia khóa học phim hoạt hình 3D... dù ban đầu không khỏi bỡ ngỡ.
Bố mẹ hãy chủ động hơn nữa trong việc thay đổi, dấn thân tìm hiểu để biến công nghệ thành người bạn hữu ích trong mùa dịch.