Phóng viên Hồng Sen tử nạn: Không công nhận liệt sĩ là thiệt thòi
Đôi mắt ngây thơ, con chưa hiểu mình đã mất mẹ. Mong các cơ quan chức năng cần có chính sách cho gia đình PV Hồng Sen đỡ thiệt thòi |
Đó là những chia sẻ của bà Hà Kim Chi, Trưởng Ban kiểm tra Trung ương hội Nhà báo Việt Nam khi trả lời PV Infonet.
Thưa bà, PV Nguyễn Thị Hồng Sen đã ra đi trong khi đang trên đường tác nghiệp đưa tin về bão số 14. Với cương vị là chủ nhiệm UBKT Hội Nhà báo Việt Nam (bảo vệ quyền lợi, kiểm tra tư cách, nghĩa vụ của nhà báo), cảm xúc của bà như thế nào khi nghe tin này?
Nhận được tin PV Nguyễn Thị Hồng Sen (Đài truyền thanh huyện Đức Phổ) tử nạn khi thông tin về cơn bão Hải Yến đang chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam, tôi không khỏi bàng hoàng. PV Hồng Sen lúc đó trên đường đi tác nghiệp đưa tin về bão.
Người dân đang di tản tìm nơi an toàn để tránh, trú bão còn những người như Hồng Sen lại xông pha vào nơi nguy hiểm và nhận lấy những nguy hiểm về mình. Xót xa lắm chứ! Càng xót xa hơn bởi Hồng Sen là nữ, con còn nhỏ, gia đình thì khó khăn....
Sau này khi đọc những thông tin về Hồng Sen, bản thân tôi vẫn thấy bần thần khôn tả. Hình ảnh đứa trẻ con trai Hồng Sen côi cút cứ khắc mãi vào tâm trí tôi. Tôi thật sự cảm phục những người như nữ PV Hồng Sen. Đó là hình ảnh đẹp của nhà báo dũng cảm.
Đây là một trong nhiều những câu chuyện tác nghiệp ở những nơi gian khó, nguy hiểm, người làm báo đôi khi phải nhận lấy phần nguy hiểm về mình để xã hội có những thông tin chính xác, kịp thời ứng phó, đảm bảo sự bình an cho nhân dân, cho đất nước ổn định. Bà có nhìn nhận gì về những nhà báo tác nghiệp trong điều kiện này?
Trước hết là cảm phục. Trước khi tôi về làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương Hội nhà báo Việt Nam, tôi là một nhà báo công tác tại vùng miền núi phía Bắc. Tôi rất hiểu điều kiện tác nghiệp của anh chị em phóng viên. Khi nghe tin thiên tai, bão lũ, cháy rừng hay tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn, nhiều phóng viên không ngần ngại, không quản hiểm nguy lao đến hiện trường để đưa tin nhanh nhất về tình hình, để người dân chính quyền được biết để có phương án tiếp theo.
Có những người trên đường tác nghiệp gặp lũ không thể trở về tòa soạn, chờ nước rút mới ra được. Và có những lúc tính mạng ngàn cân treo sợi tóc khi lũ về bất ngờ trên đường tác nghiệp...
Bên cạnh đó, những dòng tin về nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp tại những nơi chiến sự, những nơi thảm họa đang diễn ra... không phải là không có.
Tôi thấy những lực lượng chuyên trách khi làm nhiệm vụ ở những nơi nguy hiểm đều được trang bị phương tiện bảo hộ và được trang bị kiến thức để đối phó tình hình, còn những nhà báo khi tác nghiệp ở những nơi đó chỉ có cây bút và trái tim yêu nghề.
Như vậy những người dám xông pha những nơi nguy hiểm để chuyển cho công chúng từng dòng tin, từng tấm ảnh, từng thước phim đều là những nhà báo dũng cảm đáng ghi nhận.
Theo bà, vai trò của nhà báo, những đóng góp của nhà báo trong những trường hợp như thế này đã được xã hội đánh giá đúng mức hay chưa?
Tôi chỉ nói riêng PV Hồng Sen, khi nhận được tin chị mất đi, cộng đồng đã luôn bày tỏ sự tiếc thương với Hồng Sen, và bày tỏ sự cảm thông với gia đình. Rất nhiều nhà báo, phóng viên và những người không hề quen biết Hồng Sen đã chủ động quyên góp tiền để bù đắp phần nào sự mất mát đau thương của gia đình nữ phóng viên.
Riêng tôi biết đã có nhóm của Nhà báo Thanh Hằng, báo CAND, qua hơn 2 ngày đã quyên góp đã được trên 50 triệu đồng giúp đỡ cháu bé (con trai PV Hồng Sen). Rồi trên Diễn đàn nhà báo trẻ cũng phát động quyên góp ủng hộ rất mạnh mẽ...
Về phía Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, ngay sau khi nhận được tin, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi điện chia buồn với Hội nhà báo tỉnh Quảng Ngãi, Đài truyền thanh Huyện Đức Phổ, gia đình PV Nguyễn Thị Hồng Sen. Bức điện có dòng chữ: “Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Sen mất đi là tổn thất không gì bù đắp nổi của gia đình, giới báo chí và tập thể Đài truyền thanh huyện Đức Phổ mất đi một nhà báo gương mẫu”
Ngoài sự kiện PV Hồng Sen tử nạn, thì cư dân mạng, cộng đồng truyền nhau ca ngợi hình ảnh cô phóng viên xinh đẹp của đài Truyền hình Việt Nam đứng tác nghiệp trước gió bão. Hình ảnh đó đẹp bởi vì lòng dũng cảm của những nhà báo, phóng viên.
Tôi thấy cộng đồng luôn đánh giá rất cao những cống hiến của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm. Sự đánh giá đó không chỉ là thương cảm khi nhà báo, phóng viên bị nạn mà thực sự cảm phục bản lĩnh những người làm báo và trân trọng những tác phẩm của họ. Bởi mỗi dòng tin ấy không chỉ viết bằng trái tim yêu nghề của nhà báo, phóng viên mà có thể sẽ phải viết bằng máu, bằng sự hy sinh dũng cảm...
Bà nghĩ sao khi, trong văn bản Nhà nước chưa đề cập đến những việc PV nhà báo tử nạn như Nguyễn Thị Hồng Sen là hy sinh và được công nhận là liệt sĩ?
Đúng là, trong văn bản của Nhà nước hiện này chưa có dòng nào ghi cụ thể về trường hợp gặp tai nạn, thương tật, tử nạn của nhà báo, phóng viên trong trường hợp này. Nhưng tôi nghĩ luật chúng ta là luật quy phạm nên có thể không quy định cụ thể đối với từng đối tượng, ngành, lĩnh vực, nhưng khi áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể cần xem xét giải quyết thấu tình đạt lý.
Bà có thấy một nghịch lý, một người hy sinh để cứu người có thể coi là liệt sĩ, nhưng nhà báo xông và điểm nóng có thể hy sinh tính mạng của mình để thông báo cho nhiều người biết phương hướng, giúp ổn định xã hội lại không được coi là liệt sĩ không?
Nếu nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm mang lại những lợi ích sự an toàn, an ninh cho xã hội chẳng may tử nạn mà không được công nhận là liệt sĩ thì hết sức thiệt thòi. Còn hiện tại tôi chưa biết Hồng Sen có được công nhận là liệt sĩ hay không. Việc đó phải do các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Rất mong phóng viên Hồng Sen được ghi công xứng đáng.
Xin cảm ơn bà!