Phòng khám bác sĩ gia đình có nên đặt tại các trường ĐH?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với phòng khám BSGĐ Đại học Y dược TP.HCM. |
Bạn Hoàng Hiệu, quận Tân Bình đề xuất, có nên xây dựng mô hình BSGĐ tại các trường đại học, cao đẳng, để khám cho sinh viên hay không? Giới trẻ là tương lai của đất nước. Việc xây dựng ý thức quan tâm đến sức khỏe, bảo vệ lực lượng lao động xã hội chính của đất nước sau này đồng thời quản lý hồ sơ sức khỏe của họ về sau là điều hết sức cần thiết.
Trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cho biết: Các trường ĐH hiện đều có phòng y tế, có chức năng quản lý sức khỏe, hồ sơ đăng ký nên đây là nơi cung cấp dịch vụ y tế tại chỗ gần nhất cho SV. Nếu lồng ghép được mô hình BSGĐ vào cái đang có, xem xét nguồn nhân lực hiện tại, nguồn cung ứng; có thể khám cho HS, SV là việc rất tốt.
PGS Hiệp cho rằng, cần đưa ý kiến này vào dự thảo của Bộ Y tế. Hiện nay chưa đặt vấn đề các mô hình này tại trường ĐH, cao đẳng. tổ chức được mô hình BGSĐ lồng ghép trong phòng y tế, quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho lực lượng SV, HS tại trường ĐH, CĐ là điều rất cần thiết.
Hiện nay, giới trẻ chưa biết đến mô hình bác sĩ gia đình. Đây là điều thiệt thòi cho mô hình này cũng như cho người dân, khiến BSGĐ chậm phát triển.
PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, người dân có 1 BS cho riêng mình là rất tốt, vì họ hiểu được tình trạng sức khỏe của mình, được theo dõi liên tục, có lợi cho bệnh nhân. Giống như họ có luật sư riêng vậy. Khi có mối quan hệ mật thiết, tin tưởng giữa bệnh nhân và thầy thuốc, họ có thể chia sẻ mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe thầm kín của mình.
Nhưng hiện nay, truyền thông cho người dân hiểu về mô hình này chưa nhiều. Giới trẻ ít biết mô hình này, do kênh truyền thông chưa sâu rộng về các dịch vụ. “Đã đến lúc nên có 1 kênh truyền thông chính thức về BSGĐ” – BS Hiệp kỳ vọng.