Phong bì ngày 20/11: "Quê tôi làm gì có"
Phong bì ngày 20/11: "Quê tôi làm gì có"
Nguyên Bộ trưởng Giáo dục: Phong bì làm tôi xấu hổ
Phấp phỏng phụ huynh thành phố
Mấy ngày gần đây chị Dương Thị Minh, Từ Liêm, Hà Nội, cứ thấp tha thấp thỏm vì không biết vào ngày 20.11 này nên tặng cô giáo thằng cu Tuấn bằng quà gì. Tuấn năm nay mới bước vào lớp 1, hôm qua trên đường đi học về nhà, con chị cứ nhắc đi nhắc lại lời cô dặn: “Thứ 6 tới cả lớp mang hoa tới tặng cô!”.
Để mua những món quà ưng ý cho cô giáo, chị Minh đã phải thăm dò hết bạn bè của mình xem ngày này nên tặng quà gì cho cô giáo. Chị bảo ngày đó phải có ba món quà giành cho 3 cô giáo: cô chủ nhiệm, cô dạy nhạc, và cô dạy thể chất. Mỗi người một sở thích, mình phải nghiên cứu kỹ sở thích của từng người.
Ba cô giáo là ba món quà khác nhau, và đương nhiên trong món quà ấy không thể không thiếu cái phong bì. Ba món quà, ước tính chị sẽ phải chi hơn 1 triệu đồng. “Cả lớp phụ huynh nào cũng có quà cho cô, chẳng lẽ con mình không có. Với lại con mình mới bước vào lớp 1, lớp này rất quan trọng nhỡ đâu cô không quan tâm rèn, nắn cháu”- chị Minh nói.
Với suy nghĩ, những chiếc phong bì biết nói mang "sứ mệnh cao cả" là muốn làm thay đổi thái độ và tình cảm thầy trò nên các phụ huynh “chạy đua” nhau phong bì trong dịp 20/11 cho nên mấy hôm nay, chị Hà có con đang học tại một trường THPT ở Cầu Giấy đang tất tả nghiên cứu xem sở thích của thầy chuẩn bị các món quà để tặng thầy.
Chị bảo: năm ngoái tôi mua cho cháu chai thuốc gội đầu, lọ nước hoa tặng cô. Mấy hôm sau, về nhà cháu cứ cằn nhằn tôi rằng; cả lớp tặng phong bì cô, mỗi con tặng quà, nghĩ mà tủi cho con. Năm nay, thôi thì khó khăn bằng mấy tôi cũng phải lo quà cho cháu để nó bằng bạn bằng bè”. Tại các trường ĐH vào dịp 20/11 thường rơi vào thời điểm chuẩn bị thi hết học kỳ. Bởi vậy, để đạt được kết quả cao, nhiều SV muốn có điểm số như ý bằng vậy là họ vin vào ngày hiến chương để “đi thầy”. Danh sách các giảng viên các môn được họ chọn lọc kỹ trước đó vài tuần. Thế nhưng không phải bao giờ những lần “đi đêm” của sinh viên cũng chót lọt. NT, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cho hay; em cũng không phải là loại học khá, nên cũng có đôi lần đến nhà thầy nhờ vả. Tuy nhiên, nhiều thầy khó tính lắm, nhất quyết không nhận quà của sinh viên. Có thầy trước khi vào năm học còn viết lên bảng tuyên bố: Cấm đến nhà thầy trong dịp lễ tết! Ngày lễ bao giờ nhà thầy cũng đóng cửa không tiếp khách.
"Quê tôi làm gì có"
Cô Dương Thị Bình, một giáo viên tại huyện Thái Thụy, Thái Bình cho rằng; nếu như các em không chịu học, tu dưỡng, không thực sự kính trọng thầy cô thì món quà kia, dù có giá trị vật chất lớn, liệu có ý nghĩa gì? Đối với chúng tôi, chỉ cần học sinh chăm ngoan, cố gắng học đã là món quà vô giá rồi.
" Tôi cũng là giáo viên, đến ngày này học sinh trường tôi chỉ thể hiện tình cảm của mình qua việc tặng hoa và gửi lời chúc đến thầy các thầy cô, điều đó đủ để tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi", cô Bình chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thêm, giáo viên một trường THPT ở Thái Nguyên tâm sự: Lương giáo viên bây giờ chỉ bằng lương của một công nhân phổ thông thôi. Nhiều cô giáo mầm non ở vùng quê, xã không có tiền trả lương, họ quy ra thóc, mỗi tháng được vài chục kg, thế mà giáo viên có kêu ca gì đâu. Có thể ở đâu đó có hiếm hoi một vài trường hợp như vậy thôi. Chứ quê tôi làm gì có như vậy.
"Tới ngày hiến chương mình chỉ mong có bó hoa chúc mừng là tốt lắm rồi chứ đâu dám nghĩ đến phong bì phong bao .Lương tháng thì ba cọc ba đồng ăn và nuôi con chưa đủ . Nhưng, chẳng bao giờ mình nghĩ cuộc sống mình phải có phong bao từ học sinh. Cô thì hết lòng vì trò, chỉ mong trò đáp lại bằng cách học tập chăm chỉ, chứ học sinh mà cứ vin vào quà cáp rồi lười học thì quà cũng chẳng có ý nghĩa gì với nghề giáo cả. Nhiều lúc vì trò, tôi đã phải dạy bổ túc thêm cho các em yếu kém mà không lấy thù lao. Chỉ mong học sinh mình tiến bộ hơn" - cô nói.
Hữu Thắng