Phó Thống đốc NHNN: Chưa điều chỉnh tỷ giá ngoại hối
Chiều 25/3, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN đã có cuộc trả lời báo chí xoay quanh biến động tỷ giá ngoại hối VND/USD trong những ngày qua.
Tỷ giá VND/USD trong hệ thống ngân hàng những ngày qua "nổi sóng", có thời điểm giá đô la Mỹ tại các ngân hàng niêm yết lên mức 21.590 đồng "ăn" một USD, chỉ còn cách "trần" cho phép của NHNN 10 đồng/USD.
Nhiều lo ngại dấy lên, nếu tỷ giá tiếp tục "nóng" rất có thể NHNN sẽ phải tính toán, cân nhắc tới việc điều chỉnh biên độ tỷ giá để lập lại thị trường và hỗ trợ xuất khẩu, giống động thái mà cơ quan điều hành đưa ra hồi cuối tháng 1/2015.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tỷ giá "nổi sóng" thời gian qua trong hệ thống ngân hàng là do yếu tố tâm lý trước sự biến động mạnh của đồng đô la Mỹ. NHNN chưa điều chỉnh thêm tỷ giá ngoại hối ở thời điểm này.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: ... |
Theo lý giải của lãnh đạo NHNN, diễn biến cho thấy USD chỉ tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt như đồng EURO, GPB… Nhưng USD so với các đồng tiền trong khu vực châu Á lại tăng không nhiều, như NDT hầu như không đổi so với USD, HKD giảm 0,03% so với USD; WON giảm 0,09% so với USD… Khi đánh giá tác động ảnh hưởng khi USD tăng giá với các đồng tiền khác thì phải cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Đáng lưu ý, tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá mạnh không lớn, trong khi tỷ trọng thương mại của Việt Nam với các nước có đồng tiền mất giá ít so với USD lại cao. Đơn cử, hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và ASEAN chiếm tới 50%, thị trường Mỹ cũng chiếm khoảng 20%...
Bóc tách cụ thể hơn các dữ liệu kinh tế vĩ mô trong nước, lãnh đạo NHNN phân tích: các yếu tố biến động về kinh tế không quá lớn, dù nhập siêu 3 tháng năm nay đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đánh giá cung cầu thị trường thì phải nhìn tổng thể, nhập siêu được tài trợ bởi nguồn vốn: kiều hối, FDI, FII…. trong khi cán cân thanh toán vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD.
Trước ý kiến cho rằng nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu, bà Hồng nêu quan điểm, hiện cơ cấu nhập khẩu thì hiện 90% là nhập nguyên vật liệu, chỉ 10% là hàng tiêu dùng. Khi điều chỉnh tăng tỷ giá thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng lên, nhất là khi cầu trong nước đang tăng trở lại. Chưa kể trong cơ cấu hàng xuất khẩu có nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép… thì đầu vào cũng từ nguồn hàng nhập khẩu.
"Nếu điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng mức độ không nhiều, trong khi nhập khẩu lại khó khăn.Do đó, NHNN cũng phải rất cân nhắc yếu tố này. Ở thời điểm hiện nay lo ngại đồng VND lên giá so với các đồng tiền không phải là đáng lo ngại" - bà Hồng lưu ý.
Dù có thời điểm tỷ giá trong hệ thống ngân hàng "nổi sóng" nhưng quan sát trên thị trường thì áp lực cung cầu ổn định, mọi nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp đều được đáp ứng.
Riêng với những tin đồn thất thiệt để tạo sóng tỷ giá thời gian qua, bà Hồng khẳng định, nếu cơ quan thanh tra giám sát NHNN phát hiện sẽ xử lý kịp thời, nghiêm minh.
"Trước những diễn biến trên thị trường và cân nhắc chính sách, NHNN vẫn sẽ duy trì điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chưa điều chỉnh tỷ giá thời điểm này. Và với mức dự trữ ngoại hối hiện nay, cùng với cung cầu ngoại tệ trong 2015 ổn định, hoàn toàn có cơ sở để NHNN giữ vững mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay"- Phó Thống đốc nhắc lại quan điểm điều hành của cơ quan quản lý tiền tệ.
Tới cuối giờ chiều ngày 25/3 tỷ giá ngoại hối VND/USD trong hệ thống ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt đáng kể so với ngày 24/3. Giá đồng bạc xanh theo báo giá của Vietcombank là 21.465 - 21.525 đồng/USD, giảm 40 đồng/USD so với buổi sáng. Emximbank cũng giảm 30 đồng ở mỗi chiều mua bán so với đầu ngày, về mức 21.450 - 21.530 đồng/USD. DongABank cũng giảm 50 đồng/USD ở chiều bán ra, mức 21.450 - 21.540 đồng/USD.