Phố dễ thương với xe đồ "Thừa cho thiếu nhận"
Mọi người có thể tìm được những vật dụng: quần áo, giầy, túi xách,…từ chiếc xe tải này vào các ngày thứ 2, 4,6 hàng tuần. |
Vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 trong tuần chiếc xe tải nhỏ do cô Võ Thị Trúc Duyên điều khiển chở đủ các vật dụng: quần áo, giày dép, sách, cặp…cùng một số vật dụng gia đình khác dừng lại ở một góc trên đường Phạm Thái Bường. “Đậu ở đây từ 6h30 cho đến 8h.
Mọi người đến đây có thể lựa cho mình món đồ vừa và hợp với họ”- cô Duyên tươi cười bảo. Ngoài ra, vào các ngày khác, chiếc xe tải lưu động này sẽ tiếp tục di chuyển đến các địa điểm khác.
“Ngày 30/7 này, mấy cô chú sẽ chạy xe xuống xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít để cho khoảng 600 bà con lựa đồ. Sẽ có 4 thợ cắt tóc đi theo để phục vụ mọi người”- chú Nguyễn Văn Lượng- thành viên của hội bộc bạch.
Những món đồ mà các cô, chú nhận được là từ rất nhiều tấm lòng hảo tâm khác trên địa bàn tỉnh mang lại. “Mọi người thấy vậy nên có gì là lại mang ra cho. Có khi là vài đôi giày trẻ em, có khi là những quyển sách cũ”- cô Duyên kể về những tấm lòng thơm thảo đang đồng hành cùng nhóm từ thiện của cô.
Trên tay đang xách 2 túi đồ to, chú Lượng tiếp lời: “Này là đồ của bạn cà phê mang đến cho chú. Ai cho gì mình nhận đó, cũng rất cám ơn sự đồng hành của mọi người”.
Những ổ bánh mì hay gói xôi đã làm ấm lòng nhiều người trong lúc khó khăn. |
Cô Ngô Thị Bé Ba - một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, đến từ tỉnh Đồng Tháp vừa cầm những bộ đồ em bé rất đáng yêu trên tay vừa bảo: “Tuần nào tui cũng đưa cháu qua đây tập vật lý trị liệu thấy xe đồ nên xin. Lần đầu xin về cho đứa cháu trai mặc vừa, nó mừng lắm. Lần này xin thêm cho đứa cháu gái, đồ cũng mới”.
Không chỉ trao tặng quần áo, các cô chú còn vận động cố định 30 ổ bánh mì (bánh mì trứng ốp la, thịt chà bông hay sữa đặc) mỗi ngày, cùng nhiều phần xôi để phát cho người nghèo, người bệnh, khuyết tật.
Các cô chú đều tâm niệm rằng được gắn với công việc từ thiện là niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn. “Sau mấy mươi năm cống hiến sức khỏe và tinh thần trong công việc, thì khi về già chỉ mong được thảnh thơi giúp đỡ mọi người bằng công việc mình thích để tâm thanh nhàn hơn”- chú Lượng cười sảng khoái nói.
Chiếc xe tải với những vật dụng cũ kèm theo dòng chữ “thừa cho thiếu nhận” phần nào đã thể hiện được tình người trong nhịp sống rộn ràng giữa phố.
Theo Trần Ngọc/Báo Vĩnh Long