Phó Chủ tịch Đà Nẵng đau xót với di tích quốc gia Thành Điện Hải
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng sau khi Infonet đăng bài “Xây Trung tâm Hành chính Đà Nẵng gây ô nhiễm di tích quốc gia” (ngày 5/8), mấy ngày qua các đơn vị hữu quan của TP đã huy động nhân lực, phương tiện tiến hành thu dọn rác thải, chặt bỏ toàn bộ cây cỏ dại mọc dưới đáy và thành hào di tích Thành Điện Hải.
Dọn dẹp cây khô... (Ảnh: HC) |
cỏ dại dưới tuyến hào bao quanh Thành Điện Hải |
Theo ghi nhận của PV Infonet, đến sáng 4/9, công việc này đã cơ bản hoàn tất theo thời hạn mà UBND TP Đà Nẵng đặt ra, giúp nhận ra diện mạo vốn có của tuyến hào và thành lũy của thành Điện Hải. Cũng trong sáng 4/9, ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT vừa được HĐND TP. bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh hồi tháng 4/2014, đã đến thị sát thực tế tại di tích quốc gia này.
Tại đây, ông nhận được ý tưởng đề xuất về việc cải tạo đáy tuyến hào, đưa nước vào để trồng sen, trồng súng, thả cá... tạo cảnh quan đẹp cho cả khu di tích lẫn Trung tâm Hành chính TP. Đồng thời bố trí tuyến hào này (rộng 7 – 8m, có tổng chiều dài hơn 550m) một số thuyền nan nhỏ giống như các hiện vật đang trưng bày trong Bảo tàng Đà Nẵng để đưa du khách đi tham quan chung quanh di tích Thành Điện Hải. Đây sẽ là một tour rất độc đáo mà hiếm di tích hay bảo tàng nào trong cả nước có đủ điều kiện để hình thành.
cũng như trên tường thành của di tích này |
Tuy nhiên theo báo cáo của Phòng Văn xã (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng), hiện toàn bộ đoạn hào phía Tây di tích Thành Điện Hải đã bị 38 nhà dân lấn chiếm sát vào chân tường thành mà hoàn toàn không có giấy tờ hợp pháp vì xây dựng trên đất di tích. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết, mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã đưa vấn đề di dời các hộ dân này ra bàn nhưng đang cân nhắc vấn đề tiền đền bù giải tỏa nên vẫn còn để tồn tại.
“38 hộ dân, tính ra biết bao nhiêu tiền, sợ làm chưa nổi. Tức là không phải không làm nhưng chưa có tiền làm nên còn để đó. Do quản lý ủa mình yếu quá nên dân cứ lấn chiếm dần dần. Bây giờ để chỗ đó nhếch nhác không giống ai cả” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Diện mạo vốn có của tuyến hào và thành lũy của thành Điện Hải dần hiện rõ |
Thế rồi ông xăm xăm đi về phía Tây thành Điện Hải. “Không biết quản lý kiểu chi. Người ta xây lên thế này mà không có ý kiến, cứ để xây!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói sau khi chui qua lớp cây cỏ dại um tùm, leo lên mặt tường thành cao quá ngực để trực tiếp chứng kiến các nhà dân đã chiếm toàn bộ đoạn hào qua đây, không chỉ lấy tường thành làm tường nhà, câu móc vào tường thành để dựng nhà mà còn cơi nới ra trên mặt tường thành. Trong đó có một số nhà, một số hạng mục theo ông Thơ là chỉ mới làm gần đây.
Thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia duy nhất của cả nước còn lại cho đến nay, ghi dấu Đà Nẵng là địa phương đi đầu cả nước chống thực dân Pháp xâm lược cách đây hơn 155 năm. Hiện di tích này do Trung tâm Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (Sở VH-TT-DL Đà Nẵng) quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trực tiếp chui qua lớp cây cỏ dại um tùm... |
leo lên mặt tường thành cao quá ngực |
để trực tiếp chứng kiến các nhà dân đã chiếm toàn bộ đoạn hào phía Tây thành Điện Hải |
“Cả nước chỉ còn lại di tích này là thành lũy nguyên vẹn của buổi đầu quân dân ta kháng Pháp. Thành nhà Hồ chỉ còn đoạn tường thành bằng đá mà được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Nếu chúng ta làm được việc giải tỏa, cải tạo đoạn hào này để lấy lại nguyện trạng toàn bộ Thành Điện Hải thì giá trị của di tích này chắc chắn sẽ còn rất lớn!” – ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói.
Một số cán bộ đi trong đoàn cho biết thêm, thực ra tình trạng lấn chiếm di tích Thành Điện Hải đã được báo chí phản ảnh từ cách đây mười mấy năm, khi số lượng nhà dân còn ít. Nhưng do không được xử lý rốt ráo nên đến nay số nhà dân lấn chiếm ngày càng nhiều, khiến việc xử lý gần như bất khả thi.
Gương mặt của ông Huỳnh Đức Thơ sau khi chứng kiến thực trạng |
“Do mình quản lý quá lỏng lẻo nên mới ra như thế. Phát hiện ra cũng chẳng nói gì, cứ để làm. Mấy cái này mới xây cả mà. Xem như thả luôn. Đau xót thật!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói khi đang đứng trên mặt tường thành. Đến khi nhảy xuống đất, nghe nhắc lại ý tưởng về tour thuyền nan đưa khách tham quan di tích Thành Điện Hải, ông lại nói: “Như thế này là tuyến hào thành vô dụng luôn. Nhìn thấy đau xót thiệt!”.