Phó ban Tuyên giáo Trung ương: "Báo chí không nên "gài bẫy" để đánh ai"
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Ông Kỷ cho biết, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, viết về y tế là khó. Người phóng viên phải hiểu lĩnh vực, hoạt động của mình. Nắm được thuật ngữ đã khó, nắm được khó khăn của ngành Y tế còn khó hơn.
Mỗi con người đều trải qua quá trình sinh, lão, bệnh tử - đều gắn với ngành Y. Nếu nói ngành Y “làm dâu trăm họ” hoàn toàn đúng vì nhiều khi vinh quang đấy nhưng cũng đầy buồn tủi, nhất là khi xảy ra sự cố, tai biến ngoài mong muốn. Lúc ấy không chỉ gia đình mà xã hội cũng sôi lên.
Với trường hợp PGS. TS Vũ Bá Quyết, giám đốc BV Phụ sản Trung ương, được báo chí phản ánh từ chối mổ cho bệnh nhân, ông Kỷ cho biết chưa đọc kỹ, chưa hiểu hoàn cảnh cụ thể của người viết báo khi tiếp cận hiện thực như thế nào. Tuy nhiên, nếu như một thầy thuốc từ chối bệnh nhân là cần phê phán. Bởi nguyên tắc nghề nghiệp, y đức người thầy thuốc là không được phép từ chối cứu chữa cho bệnh nhân, bất kể làm nghề gì, ở giai tầng, địa vị nào trong xã hội.
Trong trường hợp này người thầy thuốc có thể xin, không cầm dao kéo cho bệnh nhân khi sức khoẻ không tốt, tâm lý không ổn định, giống như phi công trước khi bay thấy sức không ổn có thể xin không bay chuyến bay này.
Về phía người bệnh nhân đến với tư cách bệnh nhân, bất kể làm nghề gì, đều có quyền được chăm sóc. Đưa vị trí nghề nghiệp của anh vào có thể hiểu như sự lưu ý nào đó. Mà sự lưu ý này không cần thiết. Ngoài ra, đối với các bác sĩ, dù là nhà báo hay là người của cơ quan bảo vệ pháp luật, họ không nên có những định kiến, mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm lý. Lúc này, người bác sĩ chỉ nên quan tâm mối quan hệ “thầy thuốc – người bệnh”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Quan điểm của ông như thế nào nếu có sự gài bẫy của phóng viên đối với bác sĩ?", ông Kỷ cho rằng: “Nếu quả thực có sự gài bẫy nào đấy thì không nên gài bẫy bất cứ ai. Phóng viên có thể tìm hiểu một cách bình thường (tích cực, tiêu cực) còn gài bẫy thì không nên”.
Ông Kỷ cho biết thêm, phóng viên tìm hiểu sự việc bằng nhiều biện pháp công khai, hoặc không công khai. Họ có thể ghi âm, quay phim trực diện hoặc có thể giấu máy ở nơi nào đó nhưng động cơ phải trong sáng, dù biện pháp là không công khai. Nếu họ nắm được thông tin cho rằng người A, B có dấu hiệu tiêu cực thì nhiệm vụ phóng viên là phải tìm hiểu, điều tra dùng các biện pháp nghiệp vụ nhưng không nên gài bẫy, bất kể để đánh ai.
"Rõ ràng người bệnh không cần phải nói tôi là nhà báo. Người thầy thuốc trước bệnh nhân, bất kể bệnh nhân nào, không nên từ chối mà chỉ nên có quyền đề nghị “sức khỏe không tốt” hoặc không đúng chuyên môn và đề nghị người khác. Bác sĩ tránh từ chối thẳng thừng để tạo tâm lý, tạo cảm giác an toàn cho người bệnh.
Câu chuyện khá phức tạp. Chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh, khách quan, xem xét cụ thể. Chúng ta không tham gia sự kiện đó, đôi khi bối cảnh phản ánh cụ thể. Trong giao tiếp, đôi khi chỉ là ánh mắt, lời nói, ngữ điệu cũng khiến hiểu sai vấn đề” - ông Kỷ nói thêm.
Ông Kỷ cũng nhấn mạnh, người làm báo cần có trái tim và trí tuệ nhưng trước mỗi bài viết không nên để tình cảm cá nhân ảnh hưởng. Nhất là đối với những phóng viên trẻ, khi vốn sống, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ còn nhiều hạn chế.
Có thể bạn quan tâm:
Tin mới nhất vụ sập giàn giáo tại Formosa