Philippines không thể đưa người lao động từ nước ngoài hồi hương
Chính phủ Philippines dường như bất lực khi không thể đưa người lao động đang ở nước ngoài hồi hương do chi phí cho các chuyến bay quá đắt đỏ.
Anh Teodoro Santos đã chờ đợi chuyến bay từ Philippines sang Doha để đón anh và gia đình về Philippines suốt 2 tháng qua. Theo anh Santos, dù cả gia đình anh đã có vé máy bay nhưng “chính phủ Philippines vẫn hủy các chuyến bay đưa công dân về nước mà không công bố lý do” khiến anh và hơn 5.000 người lao động Philippines ở nước ngoài bị mắc kẹt ở Doha, sau khi họ bị mất việc làm vì dịch Covid-19.
Cũng theo anh Santos, những người lao động Philippines đã liên lạc với Văn phòng Lao động ở nước ngoài của Philippines và Cơ quan Quyền lợi của người lao động ở nước ngoài thuộc Bộ Lao động Philippines nhưng không nhận được hồi đáp. Đại sứ quán Philippines cho hay, những lao động ở nước ngoài đã đưa vào trong danh sách hồi hương nhưng không thể nói chính xác thời gian nào những công dân này có thể về nước.
“Chúng tôi được thông báo toàn bộ các chuyến bay trong tháng 7 và 8 đều đã bị hủy do lệnh cấm các chuyến bay hồi hương tại các sân bay Philippines”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời anh Santos.
Với vị trí là một thợ điện tại một công ty thép thuộc sở hữu của chính phủ Philippines ở Qatar trong 13 năm, anh Santos là một trong hơn 345.000 người lao động Philippines ở nước ngoài trở thành người tị nạn phải di dời kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Đây là lần đầu tiên lực lượng người lao động ở nước ngoài của Philippines rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như vậy, kể từ khi lao động di cư trở thành chính sách quốc gia của Philippines vào đầu thập niên 80. Với số tiền gửi về nước hàng năm lên tới hơn 30 tỉ USD, người lao động Philippines ở nước ngoài đang là đòn bẩy của nền kinh tế quốc gia và giúp duy trì cuộc sống của hàng triệu thành viên trong gia đình.
Hơn 5.000 người lao động Philippines ở nước ngoài đang bị mắc kẹt ở Doha mà chưa thể hồi hương. (Ảnh: Inquirer) |
Trước đó, Philippines đổ lỗi cho việc làm xét nghiệm khiến công tác đưa người lao động Philippines ở nước ngoài về nước bị trì hoãn, nhưng thực tế, chính phủ Philippines đang hết tiền để giải cứu công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài. Thậm chí, một số công nhân ở nước ngoài về Philippines còn bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 trong nước tăng nhanh.
Cụ thể, hồi tháng 5, một quan chức y tế tại thành phố Cagayan de Oro, phía nam Philippines đã nói với Rappler rằng, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh ở địa phương một phần là do lực lượng người lao động ở nước ngoài được hồi hương. Giới chức địa phương tại các tỉnh Cebu, Iloilo và Negros Occidental của Philippines cũng cho biết, 18 người lao động ở nước ngoài về nước đã từng có kết quả dương tính với virus corona chủng mới.
Tính tới ngày 3/7, Philippines đã có 40.336 ca mắc Covid-19 và 1.280 người đã tử vong.
Ông Carlo Arellano, một quan chức thuộc Bộ Lao động Philippines cho hay số lao động Philippines ở nước ngoài hồi hương có thể tăng lên thành 700.000 người vào cuối năm nay. Con số này chiếm khoảng 8% trong tổng số hơn 8,73 triệu công dân Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó có 3,39 triệu lao động hợp pháp và có hợp đồng lao động, 3,79 triệu người là lao động nhập cư vĩnh viễn và 1,55 triệu lao động chui.
Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Philippines cho hay, chính việc hạn chế số lượng các chuyến bay đưa công dân hồi hương và chi phí cao cho những chuyến bay này là nguyên nhân chính khiến hoạt động sơ tán công dân về nước bị trì hoãn.
Bà Sarah Lou Arriola, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Philippines cho hay tính tới ngày 25/6, 56.200 người lao động Philippines ở nước ngoài đã được đưa về nước. Chi phí cho mỗi chuyến bay là 13 triệu peso (260.000 USD) khiến quỹ người lao động Philippines ở nước ngoài hạ từ mức 1 tỉ peso xuống còn 329 triệu peso.
“Chúng tôi lo ngại tới tháng Tám, chúng tôi sẽ ở mức báo động bởi các chuyến bay đưa công dân hồi hương quá đắt đỏ’, bà Arriola nhấn mạnh.
Song bà Arriola cho hay nếu được sự đồng ý của nhóm chuyên trách đối phó dịch Covid-19 của chính phủ, Bộ Ngoại giao Philippines có kế hoạch đưa 37.660 lao động nước này ở Trung Đông về nước trong tháng Bảy. Họ chủ yếu là lao động ở Ả Rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Trước đó, Đại sứ Philippines ở Ả Rập Xê-út là ông Adnan Alonto cũng từng đề xuất Manila có thể dùng tàu biển để sơ tán người lao động ở nước ngoài về nước thay vì đi máy bay.
Còn tại Qatar, anh Santos cho biết mình khá may mắn bởi công ty cũ đã quyết định hỗ trợ tiền mua thực phẩm cho gia đình anh trong 3 tháng để chờ chuyến bay hồi hương.
Anh cũng sẵn sàng trở về nước trên các chuyến tàu biển thay vì đi máy bay và chấp nhận bị cách ly trên tàu.
“Chúng tôi sẽ tuân thủ mọi quy định. Chúng tôi chỉ muốn trở về nhà. Sau khi dịch bệnh qua đi, nếu họ vẫn thuê tôi làm, tôi sẽ sẵn sàng trở lại”, anh Santos tâm sự.
Minh Thu (lược dịch)