Phiền nhiễu vì hàng rong, người ăn xin ở bến phà
Tại bến phà Châu Giang (TP. Châu Đốc), vài người bán hàng rong chọn vị trí “đắc địa” ngay đường khách chờ phà.
Trong khu vực rất hẹp, không đủ cho khách đậu xe, họ cứ điềm nhiên ngồi bán.
Chị Võ Trần Huỳnh N. (40 tuổi, ngụ TX Tân Châu) cho biết: “Tôi thường xuyên qua lại bến phà này. Cứ mỗi buổi chiều, rất nhiều người bán hàng rong, mời khách mua đủ thứ; còn người xin ăn thì nài nỉ khách cho tiền. Đang tập trung điều khiển xe lên, xuống phà, tôi rất bực mình vì phải mất thời gian từ chối, lại bị họ cản trở lưu thông”.
Tại bến phà An Hòa (TP. Long Xuyên), tình trạng trên còn diễn ra phức tạp hơn.
Ngay trước cổng khu vực bến phà, khách đã gặp rất nhiều người bán hàng rong bán tràn ra cả đường đi.
Vượt qua được họ để đến quầy mua vé, vào nhà chờ, chưa thể thở phào nhẹ nhõm.
Trong khu vực nhà chờ, khách phải mỏi cổ lắc đầu từ chối hàng chục người mua bán, xin tiền. Khi nghe tôi hỏi, một bà lão xin ăn than thở: “Nhà tôi ở gần cầu Cái Sơn, nghèo lắm. Hai đứa con trai của tôi đều bị tật ở chân, không đi đứng được. Tôi phải đi xin ăn về lo cho chúng”.
Theo bà, mỗi ngày bà chỉ xin được khoảng… 60.000 – 70.000 đồng. Thỉnh thoảng, bà lại bị lực lượng bảo vệ bến phà đẩy đuổi, không cho “hành nghề”.
Hỏi sao không chọn nghề khác như bán vé số, bà trả lời: “Không có vốn”.
Lại hỏi, nhiều đại lý sẵn sàng cho mượn vốn, sao bà không liên hệ, thì bà im lặng, lảng sang chuyện khác: “Tôi khổ quá, xin tiền không đủ cơm ăn…”.
“Kiên nhẫn” đợi khách cho tiền
Những tưởng khi đã xuống phà, khách sẽ được yên thân. Nào ngờ, đội quân vé số, hàng rong vẫn tiếp tục đeo bám!
Họ vừa tay xách nách mang, vừa len lỏi theo những khoảng trống giữa các xe để dí vào tận mặt khách từng chai nước, bọc trái cây, vé số…
Tấm biển “Cấm mua bán trên phà…” dường như không tác động đến những người bán hàng rong một chút nào!
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phà An Giang Phạm Châu Hà khẳng định, tình trạng trên đã gây bức xúc trong người dân. Tuy nhiên, công tác chấn chỉnh, giải quyết của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Khi lực lượng ra quân chấn chỉnh, đẩy đuổi thì họ chấp hành, rồi đâu cũng trở về đó, như “bắt cóc bỏ dĩa”.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, người bán hàng rong đa số là dân nghèo, chỉ có việc buôn bán là kế sinh nhai. Bến phà là nơi thu hút khách, bán đắt hơn những nơi khác. Chúng tôi rất thông cảm với cuộc sống khó khăn của họ.
Thứ hai, một số đối tượng mua bán rất hung hăng, thường xuyên phản ứng lại lực lượng bảo vệ khi bị đẩy đuổi. Thậm chí, chúng tôi phải tăng cường lực lượng từ 3-4 người mới có thể yêu cầu họ chấp hành quy định. Nếu lực lượng mỏng, họ “đáp trả” lại như chơi. Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ ba là nhân viên bến phà còn ngại va chạm, nên đôi khi lơ là, cho qua”.
Khi bị “xiết chặt” trong việc cấm mua bán hàng rong ở bến phà, nhiều người đã tìm cách “lách” quy định. Họ mua vé hành khách đi bộ giá 1.000 đồng, thản nhiên đem hàng rong lên phà.
Khi phà cập bến, họ tìm chỗ trốn trên phà. Nếu trót lọt, họ sẽ “đón” lượt khách mới lên để tiếp tục chèo kéo khách.
Nếu bị nhân viên bến phà phát hiện, họ trở ra… mua vé, lại thản nhiên lên phà bán hàng tiếp tục. Hoặc họ “tranh thủ” leo lên các xe khách, trực tiếp mời khách mua hàng, rồi ngồi trên xe đến khi xuống phà.
Nhiều tài xế rất ngán ngại những đối tượng này, vì họ sẵn sàng đập cửa kính xe, xịt sơn đen vào biển kiểm soát… nếu bị đuổi xuống.
Ông Hà cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi quán triệt trong toàn công ty, các xí nghiệp phà trực thuộc thường xuyên thực hiện biện pháp đẩy đuổi các đối tượng này, không cho hành nghề tại khu vực bến phà; tuyệt đối không tiếp tay, buông lỏng cho họ hoạt động. Đây được xem là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hàng tháng và cả năm của từng đơn vị. Bên cạnh đó, công ty sẽ phát loa khuyến nghị hành khách không mua vé số, hàng rong hoặc cho tiền xin ăn nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho bản thân và người khác; phối hợp lực lượng Công an, Bảo vệ dân phố… tuần tra kiểm soát, đẩy đuổi thường xuyên tại các khu vực trọng điểm”.
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG/Báo An Giang