Phí cao như chợ gia cầm Hà Vỹ
Theo lời giải thích của ông Nguyễn Văn Thuận – Phó chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội về việc thu phí tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ thì do đặc thù của chợ Hà Vỹ là kinh doanh gia cầm, phải mất thêm tiền cho công tác kiểm dịch, phun phòng trừ tiêu độ nên phí cao hơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người kinh doanh về khu chợ từng là điểm tiêu thụ gà nhập lậu Trung Quốc lớn nhất phía Bắc này thì lại khác.
Như Infonet đã phản ánh, kể từ khi cơ quan chức năng siết chặt việc vận chuyển, buôn bán “gà lậu”, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) khá “đìu hiu”. Tuy nhiên, trong khi nhiều ki-ốt phải đóng cửa vì không có gia cầm bán thì ở khoảng đất trống cuối chợ, có tới cả chục gian hàng được quây tạm bợ để nhốt gia cầm bán.
Tìm hiểu về các loại phí phải nộp tại chợ Hà Vỹ, PV Infonet được các tiểu thương trong chợ cho biết phí cho xe máy chở gia cầm vào chợ Hà Vỹ bán ở khu đất trống cuối chợ từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng, ô tô 5 tạ nộp từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, ô tô 1 tấn trở lên nộp 150.000 đồng, … Số tiền trên do nhân viên của Ban quản lý chợ Hà Vỹ thu trực tiếp, không có phiếu thu. Còn ô tô chở gia cầm giao cho các tiểu thương có ki-ốt trong chợ cũng phải nộp ít nhất 100.000 đồng/xe, tùy trọng tải. Ngoài ra, các tiểu thương còn phải nộp nhiều khoản phí khác như: phí vệ sinh, phí kiểm dịch, …
Trao đổi về qui mô, công tác quản lý và các khoản phí thu tại chợ Hà Vỹ, ông Nguyễn Văn Thuận – Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ có diện tích khoảng 1,7 ha với 162 gian ki-ốt. Tổng kinh phí cho việc xây dựng chợ khoảng 35 tỷ, trong đó Ngân hàng Thế giới hỗ trợ một nửa, ngân sách nhà nước một nửa. Khi hoàn thành, các ki-ốt trong chợ được giao cho các hộ kinh doanh gia cầm tại thời điểm hiện tại trong thời hạn 10 năm với giá giao là 110 triệu đồng/ki-ốt. Đây là chợ cấp 2, do UBND huyện Thường Tín quản lý nhưng UBND huyện ủy quyền cho xã quản lý. UBND xã Lê Lợi đã thành lập Ban quản lý chợ tạm thời với 9 thành viên và 3 nhân viên bảo vệ; Ban quản lý chợ hoạt động theo các quy định về chợ của nhà nước.
"Theo quy hoạch phần đất cuối chợ là để trồng cây xanh nhưng do các hộ chăn nuôi ở các tỉnh khác không biết chợ Hà Vỹ là chợ chỉ dành cho các tiểu thương có ki-ốt và cũng vừa nhằm tăng thêm thu nhập so với bán gia cầm tại quê nên mang gia cầm về chợ Hà Vỹ bán. Do vậy phải sắp xếp cho họ vào bán ở cuối chợ, chẳng lẽ bắt họ mang gia cầm về", ông Thuận phân trần.
Theo quy hoạch, khu đất cuối chợ Hà Vỹ để trồng cây xanh nhưng lại được tận dụng cho hàng chục người bán gia cầm |
Về các khoản phí, lệ phí trong chợ, ban đầu ông Thuận khẳng định thu theo đúng quy định của UBND TP.Hà Nội trong Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 09/01/2009 về việc thu phí chợ trên địa bàn TP.Hà Nội, nhưng một lúc sau ông Thuận giải thích do đặc thù của chợ Hà Vỹ là kinh doanh gia cầm, phải mất thêm tiền cho công tác kiểm dịch, phun phòng trừ tiêu độ nên phí cao hơn. Cũng theo ông Phó chủ tịch UBND xã Lê Lợi, theo quy định mỗi tháng các hộ có ki-ốt trong chợ phải đóng 15.000/m2 nhưng đến nay hầu hết các hộ không đóng.
Theo phản ánh của những người kinh doanh, các xe vào chợ Hà Vỹ phải "gánh" phí cao hơn nhiều lần so với quy định trong thông báo |
Lý giả cho việc không đóng phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng, các tiểu thương có ki-ốt bức xúc: “Sở dĩ chúng tôi không nộp khoản phí này là vì chúng tôi đã phải nộp110 triệu đồng mà vẫn phải chịu phí sử dụng chỗ ngồi kinh doanh ổn định hàng tháng trong các tiểu thương kinh doanh cuối chợ đã không phải nộp tiền thuê mặt bằng lại không phải mất khoản phí này”.
Xây dựng chợ gia cầm tập trung nhằm góp phần kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm là chủ trương đúng, được một số tổ chức quốc tế và nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, công tác quản lý chợ dường như thả nổi, quy hoạch chợ bị phá vỡ, mức phí thì “trên trời” như chợ Hà Vỹ thì không ổn.