Phê duyệt đề án tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN
Mục tiêu của Đề án là hoàn thành việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ASEAN về giao thông vận tải; phát huy hiệu quả kết nối để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam; lồng ghép thực hiện các mục tiêu kết nối giao thông vận tải trong ASEAN với việc hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra theo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án cụ thể của ngành giao thông vận tải được phê duyệt.
Để tăng cường thực hiện kết nối giao thông vận tải trong ASEAN giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án đã đưa ra 7 giải pháp: Tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối; Kết nối vận tải qua biên giới; Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; Tăng cường huy động các nguồn lực để kết nối; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN để cùng phát triển. |
Trong đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải đường bộ, đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của các nước ASEAN để đảm bảo kết nối và hội nhập quốc tế.
Phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường; tăng cường quản lý, kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông.
Về đường biển, Đề án đưa ra giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của đội tàu quốc gia; ưu tiên phát triển năng lực vận tải đa phương thức trên các hành lang kết nối với các cảng biển trọng điểm; đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm vận tải và du lịch đường biển, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu chở khách du lịch đồng thời tăng cường khả năng kết nối thuận tiện đến các điểm du lịch trên đất liền; từng bước phát triển đội tàu khách du lịch cỡ lớn kết nối Việt Nam với các điểm du lịch quan trọng trên thế giới.
Đối với hàng không, Đề án đưa ra giải pháp là nâng cao năng lực của các hãng hàng không trong nước đủ sức cạnh tranh tham gia thị trường hàng không thống nhất ASEAN, tiến tới tham gia có hiệu quả vào các thị trường hàng không liên khối rộng lớn hơn như ASEAN - EU, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Hàn Quốc… Tiếp tục tăng cường sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân, hàng không giá rẻ.
Đề án cũng sẽ thực hiện đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt, kết nối dịch vụ du lịch đường sắt với du lịch đường bộ, hàng không, hàng hải; hình thành các đoàn tầu du lịch có chất lượng dịch vụ cao; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh cho hành khách…