Phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng, hỗ trợ khôi phục sau đại dịch tại VQG Cúc Phương
Việc xây dựng mô hình 3D có sự tham gia tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, góp phần phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng, hỗ trợ khôi phục sau dịch Covid-19.
Du lịch tại các khu bảo tồn là một phần quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về du lịch bền vững và trải nghiệm dựa vào thiên nhiên ngày càng tăng.
Tại Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, một mô hình bản đồ 3D đã được triển khai, bao gồm vùng lõi VQG và một phần vùng đệm. Các chiều của khu vực này ước tính 31km x 20km và tạo ra một mô hình 3D tỷ lệ 1:10.000 với kích thước 3,1m x 2,0m.
Việc xây dựng mô hình bản đồ 3D sẽ thống kê lại và nâng cao sự hiểu biết về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch trong và xung quanh VQG, thu hút cộng đồng địa phương tham gia phát triển các sản phẩm du lịch mới dựa vào cộng đồng và bền vững.
Đồng thời, việc lập bản đồ 3D cũng giúp cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình đánh giá và thảo luận về tác động của Covid-19 đối với việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên tại địa phương.
Đặc biệt, đã huy động được sự tham gia và hỗ trợ của ban giám hiệu, các thầy cô và học sinh lớp 10 trường THPT Nho Quan B, Ninh Bình để xây dựng cốt bản đồ.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Nho Quan B cùng nhau xây dựng cốt bản đồ trắng. |
Hoạt động thu thập thông tin, xây dựng bảng chú giải bản đồ cũng được thực hiện với sự tham gia của đại diện hai thôn bản, đóng góp thông tin xây dựng danh sách gần 80 đối tượng địa hình trên toàn khu vực.
Hơn thế, hoạt động tham vấn cộng đồng và thể hiện thông tin trên mô hình 3D được trực tiếp thực hiện bởi đại diện 18 thôn bản vùng lõi và vùng đệm VQG Cúc Phương trên địa bàn 14 xã, một thị trấn thuộc ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa, những nơi có sự hiện diện của VQG Cúc Phương.
Thông qua các hoạt động trên, người dân lần đầu tiên thấy được bức tranh toàn cảnh về cộng đồng người dân trong mối tương quan với VQG, cũng như những tiềm năng kinh tế và lợi ích to lớn mà VQG có thể mang lại, nếu như được bảo tồn và sử dụng một cách bền vững.
Người dân địa phương cùng nhau hoàn thiện bản đồ 3D. |
TS Vũ Kim Chi, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐHQG Hà Nội, cho biết: “Các em học sinh trường THPT Nho Quan B đã cắt trong vòng 5 ngày liền để tạo ra 30 lớp trắng, mỗi lớp 5mm, qua đó tạo nên mô hình nổi. Đến nay, kết hợp với người dân địa phương cùng nhau tô màu, mô hình đã giúp cho khách du lịch khi đến với VQG Cúc Phương có thể tìm hiểu không chỉ về VQG mà còn cả cuộc sống của người dân xung quanh”.
Là người dân sống dựa vào rừng, ông Nguyễn Văn Cơ (xã Thành Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) cho biết, toàn thể người dân nơi đây đều ý thức được việc bảo vệ VQG là trách nhiệm chung của toàn thể cộng đồng, đặc biệt là bà con ở các thôn thuộc vùng đệm phải có trách nhiệm hợp tác với VQG Cúc Phương để thể hiện bản đồ 3D, để bà con hiểu được cụ thể cũng như tổng thể về VQG.
Bàn giao bản đồ 3D cho Ban quản lý VQG Cúc Phương. |
Sau thời gian triển khai mô hình 3D, ngày 5/7/2022 tại VQG Cúc Phương, UBND huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng VQG Cúc Phương tổ chức hội thảo báo cáo kết quả tham vấn “Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia tại Vườn Quốc gia Cúc Phương" tại VQG Cúc Phương.
Theo chia sẻ của bà Ulrika Aberg - Quản lý Chương trình Các khu bảo vệ và bảo tồn, IUCN toàn cầu – Dự án này là một trong những nỗ lực hỗ trợ phục hồi sau Covid-19 để tái thiết các hoạt động du lịch bền vững, chia sẻ lợi ích công bằng trong bối cảnh hậu Covid-19.
“VQG Cúc Phương là một ứng viên cho danh hiệu danh mục xanh. Hoạt động này có thể hỗ trợ VQG Cúc Phương đạt được các tiêu chuẩn của danh mục xanh, bằng cách xây dựng các hoạt động quản trị hiệu quả hơn đối với cộng đồng địa phương. Đồng thời nâng cao hiểu biết về các giá trị tài nguyên của VQG bằng việc thu thập tri thức bản địa trong và xung quanh khu bảo tồn”, bà Ulrika Aberg nói.
Được biết, mô hình này, sau khi IUCN bàn giao cho VQG Cúc Phương, sẽ liên tục được cập nhật với sự tham gia của các bên liên quan và sự hỗ trợ của công nghệ số/internet góp phần đưa VQG trở thành một điểm đến du lịch bền vững.
Tuân Nguyễn