Phát thải ròng bằng “0” là mục tiêu không thể trì hoãn
TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức của toàn cầu, tác động đến mọi mặt kinh tế, ngoại giao và an ninh toàn cầu.
Hội nghị COP26 thành công vào tháng 11/2021, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã có những cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện Việt Nam sẽ quyết tâm, nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua những việc xây dựng các bộ khung pháp lý, chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, thu hút các dòng tài chính, tín dụng xanh để chuyển đổi đầu tư từ điện than sang năng lượng tái tạo, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ phát thải.
Nhấn mạnh “Phát thải ròng bằng 0 là mục tiêu không thể trì hoãn”, TS Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ, các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.
Ông Linh cho biết, để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; quyết định số 01 về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; quyết định số 896 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Còn theo TS Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào các văn kiện quan trọng của Đảng.
Nếu không bắt kịp với thế giới, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Vì thế, ông Thi cho rằng, việc phát triển thị trường các-bon cần được tăng tốc độ. Trong đó, các hội đồng khoa học, doanh nghiệp, người dân cần chung tay đóng góp và đây là tiền đề phát triển chung bao trùm xã hội.
Cùng với đó, cùng nhau tìm giải pháp, hiệu quả để đạt được mục tiêu Net-zoro. Vấn đề tài chính xanh cũng được đề cập; trong đó, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển chung của các ngành, nghề trên thế giới. Do đó, cần thêm những ý kiến đóng góp để tạo hành lang pháp lý phù hợp, phát huy vai trò của nhà nước trong phát triển 2 ngành kinh tế nêu trên. Nhất là làm sao để Việt Nam có được sự thúc đẩy của quốc tế trong quá trình hội nhập để mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển các-bon thấp, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, kiểm kê khí nhà kính là trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo ông, bằng cách tính toán và trực quan hóa lượng phát thải khí nhà kính phát sinh từ các hoạt động của cơ sở và chuỗi cung ứng trên dịch vụ tiện ích đám mây, qua đó đề xuất và cung cấp các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính phù hợp với đơn vị. Đây cũng là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, kiểm kê khí nhà kính, giao dịch tín chỉ các-bon…
Ngoài ra, ông Quang Anh cho hay, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện tốt cam kết và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Khôi Nguyên