Phạt nguội vì sao chưa hiệu quả?
Vẫn biết, đã có nhiều giải pháp được áp dụng, kể cả “phạt nguội” nhưng TNGT vẫn chưa giải quyết được tận gốc. Mục tiêu, người tham gia giao thông phải tuân thủ pháp luật, xóa được tệ nạn mãi lộ trong lực lượng cảnh sát giao thông chưa trở thành hiện thực. |
Theo tôi, có một giải pháp khả thi nhất là xây dựng hệ thống camera giám sát, công cụ chủ yếu cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc phát hiện các trường hợp vi phạm và phạt nguội qua hình ảnh. Những hình ảnh do camera ghi lại là căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, vượt đèn đỏ, cũng như mọi hành vi không chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Ngoài ra, hệ thống camera sẽ hỗ trợ lực lượng công an trong quá trình điều tra về tai nạn giao thông, truy tìm vật chứng đối với công tác tìm kiếm tội phạm.
Việc xử lý vi phạm qua hình ảnh hay còn gọi là «phạt nguội» đã được áp dụng thí điểm ở một số tỉnh thành nhưng chưa thực sự thành công. Nguyên nhân, do thiếu giải pháp tổng thể, đồng bộ từ cơ chế đầu tư, chính sách pháp luật và giải pháp thực hiện. Để giải pháp xử lý qua hình ảnh mang tính khả thi và tiến tới thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc cần thực hiện đồng bộ 3 giải pháp sau.
Thứ nhât, về mô hình: Nghiên cứu xây dựng mô hình dịch vụ an ninh công, có thể là Doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông hoặc thành lập Cục An ninh giao thông hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích. Sau khi thành lập các doanh nghiệp, đơn vị dịch vụ an ninh giao thông, Nhà nước nên có chính sách đầu tư, tổ chức lắp đặt hệ thống camera, hệ thống thiết bị kết nối, các trang thiết bị cần thiết... để tạo ra một đơn vị an ninh giao thông hoàn chỉnh.
Trước mắt, nên làm thí điểm ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... sau đó nhân rộng trên toàn quốc. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống website hoàn chỉnh, cập nhật tin tức về tình hình vi phạm và xử phạt giao thông. Qua website này, người dân có thể tìm kiếm thông tin về hành vi vi phạm của bản thân một cách chi tiết, cụ thể ngày giờ vi phạm, hình ảnh vi phạm.
Thứ hai, cần xây dựng một cơ chế chính sách đồng bộ. Nhà nước thực hiện cơ chế đầu tư cho Doanh nghiệp dịch an ninh giao thông theo nguyên tắc đầu tư có thu hồi vốn không lãi suất. Chính sách xử phạt đề ra cần tăng tính răn đe nhưng phải có khả thi. Chính sách phải được xây dựng trên cơ chế đặc thù cho loại hình Doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông. Tiền lương, thu nhập của lực này phải gắn liền với kết quả công việc. Cơ chế chính sách, chế tài xử phạt phải được cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật nhằm xử lý triệt để những hành vi vi phạm giao thông cũng như hành vi phạm của người thực thi công vụ.
Thứ ba, để phương án “phạt nguội” khả thi thì tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải đưa về đúng địa chỉ, đúng chủ phương tiện. Nhà nước phải đưa ra quy định tất cả các phương tiện phải được quản lý từ nơi cư trú. Để thực hiện được vấn đề này, phải có văn bản pháp luật rõ ràng với các quy định chặt chẽ.
Nên có qui định trong thời hạn từ 3-6 tháng, chủ phương tiện là ô tô phải khai báo đúng địa chỉ và có xác nhận cuả cơ quan đối với xe công hoặc của phường nơi cư trú đối với xe cá nhân, sau đó gửi đến doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông. Nếu thay đổi địa chỉ chủ phương tiện phải có trách nhiệm khai báo với doanh nghiệp hoặc các đơn vị dịch vụ an ninh công.
Với xe máy, chúng ta sẽ thực hiện thu thuế p hí giao thông qua phường xã thì người đi thu phí có trách nhiệm khai báo địa chỉ của những xe máy trên cho doanh nghiệp dịch vụ an ninh công. Nếu chủ phương tiện không thực hiện khai báo đúng sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định.
Phạt nguội qua camera |
Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ 3 vấn đề: xây dựng mô hình, xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ và quản lý đúng địa chỉ phương tiện giao thông thì doanh nghiệp dịch vụ an ninh giao thông chỉ làm nhiệm vụ theo dõi phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Trường hợp không chấp hành tự giác nộp phạt, lực lượng công an có thể thông báo truy tìm, thu giữ phương tiện, tăng nặng hình thức xử phạt. Thậm chí có thể tịch thu sung công quỹ.
Về lộ trình thực hiện, nên xây dựng một đề án tổng thể, trước đó cần tổ chức các buổi hội thảo khoa học, lấy ý kiến người dân để có lộ trình thực hiện hợp lý. Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, sau đó tiến tới xã hội hóa về đầu tư. Các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư, thu phí phạt nguội ở một tuyến đường, một quận hay một xã nhất định. Các doanh nghiệp tham gia đầu tư lắp camera, quản lý theo dõi phát hiện qua hình ảnh những trường hợp vi phạm và gửi hình ảnh cho cho đơn vị dịch vụ an ninh giao thông để nhận lại một khoản tiền phạt theo tỷ lệ quy định.
Thiết nghĩ, nếu xây dựng một đề án tổng thể theo định hướng như trên, sau 2 - 3 năm sẽ cải thiện được tình hình trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam, tai nạn giao thông cũng sẽ giảm 80 - 90%. Điều quan trọng hơn cả là góp phần thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. Cùng với hệ thống camera giám sát, tình trạng đua xe trái phép, trộm cắp, gây tai nạn bỏ chạy… sẽ bị đẩy lùi, góp phần nâng cao an sinh xã hội.