Phát hiện trẻ đi lệch do trật khớp háng bẩm sinh bằng bản năng người mẹ
Trẻ bị trật khớp háng mổ càng sớm càng tốt. Ảnh VNE |
Giật mình vì con bị trật khớp háng bẩm sinh
Chị Nguyễn Thu Na trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng kể về con trai thứ hai của chị. Năm cháu được 1 tuổi, cháu bắt đầu tập đi. Chị Na để ý thấy con đi hơi khác. Gia đình chị cho rằng chị cả nghĩ, khéo tưởng tượng. Nhưng chị Na quả quyết rằng chắc chắn chân có vấn đề.
Chị cho con vào Bệnh viện Việt Pháp kiểm tra, bác sĩ bảo không vấn đề gì. Về nhà, chị theo dõi con vẫn thấy cháu đi tập tễnh kiểu chân cao, chân thấp. Chị Na lại tiếp tục ôm con đi vào bệnh viện khám bất chấp sự phản đối của gia đình. Khi vào bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ nhìn cháu bé đi cũng bảo không vấn đề gì. Chỉ đến khi bác sĩ cầm chân của cháu quay quay thấy không quay được bình thường như chân bên trái, bác sĩ mới cho cháu đi chụp XQuang.
Qua phim chụp, bác sĩ phát hiện cháu bị trật khớp háng bẩm sinh và giới thiệu sang Bệnh viện Nhi trung ương. Chị Na kể, chị bế con sang bệnh viện Nhi, sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã làm phẫu thuật luôn cho con chị sau hai ngày nhập viện. Nhờ thế, đến nay cháu bé đã có thể đi lại bình thường. Nhìn những bước chân của con không còn cao, thấp, chị Na mừng rơi nước mắt. Nếu lúc trước, chị cứ nghe lời mọi người và nghĩ mình khéo tưởng tượng thì giờ đây không biết con chị sẽ ra sao.
Bệnh có thể phát hiện qua siêu âm thai nhi
PGS TS Nguyễn Ngọc Hưng – Chủ tịch Hội Chỉnh hình Nhi, Việt Nam, là người có công trình nghiên cứu về phương pháp mổ trật khớp háng bẩm sinh của trẻ đã được công bố trên tạp chí chỉnh hình Mỹ tháng 6/2013 và báo cáo tại hội nghị chấn thương chỉnh hình châu Á Thái Bình Dương ở Ấn Độ tháng 10/2012. PGS Hưng nguyên là trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi trung ương. Đến nay, ông đã mổ cho hàng trăm ca trật khớp háng bẩm sinh.
PGS Hưng cho biết đến nay vẫn có rất nhiều trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh nếu phát hiện sớm chỉ cần can thiệp phần mềm, kéo nắn là chỉnh được. Còn khi trẻ đã biết đi trên 12 tháng tuổi thường phải làm phẫu thuật.
Nguyên nhân gây trật khớp háng bẩm sinh hiện chưa được xác định. Bệnh có thể phát hiện khi trẻ nằm trong bụng mẹ, qua siêu âm thai hoặc ngay sau sinh, nhờ một số dấu hiệu như: trẻ khó giang hai đùi, việc thay tã cho bé khó khăn; khi bé nằm ngửa nếu gấp gối thì hai gối lệch, không bằng nhau; trẻ có nếp lằn bẹn ở bên bị bệnh rất dài, khác hẳn bên kia... Cha mẹ không phát hiện ra bệnh của con vì khi bị bệnh, trẻ thường không cảm thấy đau, không quấy khóc, nên nếu không để ý kỹ các khác biệt, bố mẹ sẽ khó phát hiện. Đa số gia đình thường chỉ đưa con đi khám sau khi bé biết đi, lúc thấy con đi tập tễnh, một chân yếu hẳn so với chân kia.
Với trật khớp háng, PGS Hưng cho biết có thể phát hiện qua siêu âm nhưng đa số hiện nay, chỉ số siêu âm này đều bỏ qua mà người ta chỉ siêu âm giới tính là chính.
PGS Hưng cho hay đến nay đối với trẻ 12 tháng tuổi tới dưới 8 tuổi phải can thiệp phẫu thuật. Trường hợp từ 8 tuổi trở lên phải phẫu thuật phức tạp hơn nhiều, cắt ngang xương chậu kéo phần trên ra ngoài, đồng thời cắt ngắn xương đùi, khả năng bị chảy máu và nguy hiểm cao hơn, tỷ lệ phải mổ nhiều lần cũng lớn hơn trong khi khả năng thành công thấp hơn.
PGS Hưng cho biết lúc ấy, ông đang làm một báo cáo về ghép xương nhi, khi phẫu thuật cho bệnh nhi trật khớp háng phải thực hiện bằng phương pháp cũ cắt xương và ghép vào, ông nghĩ tại sao không lấy xương đồng loại. Và ông đã thử lấy xương mác đồng loại ghép vào cho bệnh nhi đạt hiệu quả cao. Phương pháp này được công bố trên tạp chí khoa học Mỹ, được đồng nghiệp đánh giá cao, ông được các nước mời đi giảng dạy.