Phát hiện hơn 12.000 hồ sơ người có công nghi vấn sai sót
Ông Đỗ Đăng Khoa - Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công. |
Sáng nay (14/7), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Người có công và Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức hội thảo báo chí "Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh - liệt sỹ: Lý luận và thực tiễn". Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của ngày 27/7, truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, gắn với việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, ông Đỗ Đăng Khoa - Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã thống kê, qua 50 năm thực hiện xác nhận thương binh, liệt sỹ trên cơ sở 2 người làm chứng (từ năm 1956 đến năm 2005) đã tạo điều kiện rất thuận lợi để người có công lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi nhưng cũng đã bị nhiều kẻ trục lợi khai man để hưởng chính sách.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây (từ 2012 - 2016), Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện trên 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có gần 1.900 hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi nhân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng...).
"Có thể nói công tác xác nhận người có công còn tồn đọng là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công" - ông Khoa khẳng định.
Ông Đỗ Đăng Khoa - Trưởng phòng Chính sách 1, Cục Người có công. |
Về vấn đề xử lý các trường hợp có dấu hiệu sai sót, ông Nguyễn Duy Kiên - Phó Cục trưởng Cục Người có công thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi số tiền chi sai. Theo ông Kiên, mặc dù công tác thu hồi của chúng ta có chế tài nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều trường hợp không thể thu hồi như: đối tượng đã chết, đối tượng đang mắc bệnh hiểm nghèo hay đối tượng không còn khả năng chi trả... "Chúng ta vẫn sẽ thu hồi được nhưng số lượng đó ở mức độ rất hạn chế" - ông Kiên cho biết.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về "Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015", còn khoảng 30.000 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. Cho đến nay, các địa phương đã báo cáo giải quyết gần 11.000 trường hợp, đang tiếp nhận hướng dẫn giải quyết trên 11.000 trường hợp. Nhiều trường hợp chưa có hồ sơ và cũng không có căn cứ để thiết lập hồ sơ, nhiều trường hợp lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện để giải quyết...