Phạm nhân 'đăng đàn' kể nguồn cơn của tội ác
Tội ác đến từ đâu?
Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Đoàn TNCS HCM, Tổng cục VIII – Bộ công an và Trại giam Thanh Xuân, báo Tiền Phong tổ chức. Buổi tọa đàm này thu hút hàng trăm trại viên đang thụ án tham gia, chia sẻ.
Đội văn nghệ tiếng hát tình đời của các phạm nhân trại Thanh Xuân biểu diễn rất chuyên nghiệp. |
“Dư luận lên án nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, dã man mà thủ phạm là những người trẻ tuổi, thậm chí chưa tới tuổi thành niên. Có những người gây tội ác là đại ca khé tiếng giang hồ từng ham chơi, bỏ học, bùi đời, nhưng cũng có không ít người phạm tội có học thức, gia đình gia giáo.
Chúng tôi mong rằng qua buổi tọa đàm, chính câu hỏi tội ác đến từ đâu sẽ khiến mọi người cảnh tỉnh với những cám dỗ, những tệ nạn luôn rình rập con người, đăc biệt là các bạn trẻ, trước khi làm gì đó, hãy nghĩ xem đó có là việc phạm luật hay không” – ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nói. Dưới khán phòng, nhiều gương mặt phạm nhân trẻ tuổi, xinh xắn, trang điểm, buộc tóc cầu kì cúi nhìn khi nghe ông Sơn nói.
“Em sinh năm 1991, tội cướp tài sản, giết người” – một phạm nhân nữ trắng trẻo, tóc buộc cao kể. Theo phạm nhân này, lúc phạm tội chẳng nghĩ gì cả, chì là vì đua đòi theo chúng bạn, muốn có nhiều tiền để ăn chơi.
Ngồi cạnh Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý, phạm nhân Phạm Quang Hưng rưng rưng khi kể về lý do mình phạm tội: “Tôi sinh ra trong gia đình viên chức. Bố mẹ không giàu nhưng cho tôi đủ thứ. Tôi được học hành, làm trong ngành dầu khí. Ở tuổi 27 – 28, công việc, địa vị của tôi khiến nhiều bạn trẻ mơ ước. Nhưng không tự bằng lòng với cuộc sống của mình, muốn làm giàu thật nhanh nên đã phạm tội và ở đây, mặc bộ quần áo kẻ sọc như các bạn”. Anh Hưng đã lạc giọng khi nói rằng mình phạm pháp thì phải trả giá nhưng án tù không nặng nề bằng việc anh đã đánh mất niềm tin ở bạn bè, đồng nghiệp và làm cha mẹ đau lòng.
Phạm nhân Phạm Quang Hưng và TS Quý cùng đối thoại về nguyên nhân gây tội. |
Cũng là dân trí thức, làm việc ở một ngân hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chị Nguyễn Thị M. đã bị xử phạt 2 năm tù về tội tàng trữ ma túy. “Vì chồng bị nghiện, em đã tiếp tay cho anh ấy. Khi em bị bắt thì anh ấy bỏ đi đâu mất luôn. Mong sẽ không ai vấp như em nữa” – M. không giấu nổi nước mắt khi nói chuyện về mình. Ở tù, chị M. chăm chỉ lao động, cải tạo để được “thưởng” những cuốn sách mượn tại thư viện về đọc.
“Trại giam rèn luyện tôi”
Buồng giam của các phạm nhân được xây khép kín, sáng sủa, sạch sẽ. Quần áo, chăn màn gấp gọn gàng khiến cô ca sĩ Thủy Đặng (tham gia Giọng hát Việt) còn phải thốt lên “rất ngạc nhiên và khâm phục”.
Nhìn cuốn lịch treo tường xé trước 1 ngày, chúng tôi thắc mắc thì một nữ quản giáo cho biết: “Ở phòng nào cuốn lịch treo tường cũng luôn xé trước 1 ngày bởi họ mong ngày về lắm” – một nữ cán bộ quản giáo nói.
Phạm nhân được đọc báo, sách truyện khi học tập, lao động tốt. |
Anh Phan Anh Huy, một phạm nhân từng thụ án 13 năm về tội giết người ở trại Thanh Xuân và năm 2005 ra trại, anh về làm bác sĩ như trước khi gây án và xây dựng gia đình. Nay anh Huy đã có gia đình êm ấm, 4 thành viên ở trong một ngôi nhà 5 tầng khang trang. “Tôi bộc trực, nóng tính nên rượu vào rồi đánh người ta. Quá khứ ấy cho tôi nhiều bài học lắm. Khi ở trại giam cải tạo, tôi là tỷ phú thời gian nên học và đọc sách rất nhiều. Trại giam rèn luyện tôi hơn khi ở ngoài.
Tôi đi tù thì cha mẹ mất, nỗi đau ấy phải trải qua mới hiểu. Nhưng may mắn khi tôi trở về, anh em, họ hàng, khu phố, đoàn thể đón nhận. Tôi chủ động hòa nhập và lao động thực sự để trở thành người tốt” – anh Huy chia sẻ.
Bác sĩ Huy - người thời trẻ đã có phút lỗi lầm và phải trả giá bằng hơn chục năm tù. |
Đại tá Phan Trọng Hà, Phó giám thị trại giam Thanh Xuân, cho biết, phạm nhân vào trại đều được giáo dục, rèn luyện và học nghề để họ nhận thức rõ việc phạm tội, ăn năn trước sai lầm và yên tâm cải tạo, sớm trở về.
"Trước khi ra trại từ 2 năm tới 2 tháng, phạm nhân đều được học, bổ túc văn hóa và cập nhật mọi thay đổi ngoài xã hội bằng các lớp học “tiễn chân”. Như vậy, phạm nhân dù thụ án lâu năm thì khi ra đời, họ cũng không bỡ ngỡ. Tuy nhiên, việc xã hội kì thị với người từng có tiền án vẫn còn và đây là một rào cản không nhỏ với họ khi trở lại cộng đồng".
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng đã là xã hội thì không có chuyện mất hết mọi sự kì thị. “Nhiều lần tiếp xúc với các cháu nhỏ ở trung tâm giáo dưỡng, nhìn các em mà thấy nao lòng. Các em ngây thơ, không thể tưởng tượng chúng phạm tội, thậm chí là tội giết người. Chúng vẫn cười nói vô tư, kêu nhớ mẹ, đòi về với mẹ. Điều cốt yếu với các em thiếu niên là gia đình”.
Bà Quý chia sẻ, qua tiếp xúc, nghiên cứu tâm lý tội phạm vị thành niên, bà thấy các bạn trẻ phạm tội do chưa hiểu hết bản thân mình. Các em không chịu thay đổi cho phù hợp với xã hội mà muốn mọi người phải theo mình. Các em không kiềm chế được bản năng hung tính và không xác định được lý tưởng sống, thích thể hiện mình. Tất cả những tâm lý ở tuổi mới lớn lẽ ra phải được gia đình hướng dẫn, rèn rũa.
“Gia đình quá nuông chiều hay bỏ bê con cái đều có thể dẫn tới việc đứa trẻ không được rèn rũa, dễ sa ngã. Đối với con em có phút lầm lỡ, khi trở về, họ chỉ có gia đình là nơi chia sẻ, cảm thông đầu tiên. Từ gia đình rồi tới láng giềng, khu phố, hãy coi người từng phạm tội như con em mình bị vấp ngã để giúp đỡ họ sớm hòa nhập cộng đồng” – lời TS Kim Quý.
Anh Huy, người bác sĩ trẻ, chưa lập gia đình phải thụ án 13 năm chia sẻ: "Tôi ra tù, đi qua nhà mình mà không biết. Khi đó, cha mẹ tôi mất. Tôi đã được các cô, các bác, hàng xóm láng giềng quan tâm. Việc họ để cho đứa trẻ chơi đùa với mình cũng động viên tôi lắm. Mong rằng, các bạn trẻ nhìn gương tôi để học tập. “Hãy sống chân thành, tránh xa mọi tệ nạn xấu và sự cám dỗ của tội ác. Mình sống tốt vì những người thân yêu thì sẽ không phải đối mặt với song sắt nhà giam” – anh Huy chia sẻ.
“Hãy cởi mở, chia sẻ về tội mình đã phải trả” Đó là ý kiến của anh Dương Văn An, Bí thư TW Đoàn. “Các bạn không may vi phạm pháp luật, phải vào trại giam, khi ra tù nếu dũng cảm, tâm sự với người xung quanh về lỗi lầm của mình thì đó sẽ là bài học cho họ. Những người nghe câu chuyện của các bạn lại giáo dục con cái, anh em họ thì sẽ bớt nhiều người vi phạm pháp luật” – anh An nói. Như vậy, chính những người được cải tạo sẽ là một người mang thông điệp “giáo dục” cho những ai chưa hiểu biết pháp luật mà phạm tội hoặc có ý định phạm tội biết “dừng đúng lúc”. |
Nhật mai