Phải làm thêm chỉ vì lương không đủ sống
Phải làm thêm chỉ vì lương không đủ sống
Bàn về chế độ bảo hiểm, ĐB La Ngọc Thoáng, tỉnh Cao Bằng cho biết, đối với người lao động phổ thông, chủ yếu chỉ nhận được hợp đồng thời vụ và không được đóng bảo hiểm. Vì thế cần phải có quy định chặt chẽ hơn để người sử dụng lao động không thể lách luật. ĐB Thoáng cũng kiến nghị cần bổ sung thêm quy định để bảo vệ người lao động khi có tranh chấp xảy ra.
Đối với thời gian làm việc của người lao động, cũng được nhiều ĐB hết sức quan tâm tại nghị trường. ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm, tỉnh Yên Bái cho rằng: quy định thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ trong một năm là phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho lao động.
“Người lao động không muốn làm thêm giờ. Nếu có làm thêm cũng chỉ vì mức lương không đủ sống. Chính phủ cần quan tâm hơn đến mức lương tối thiểu của lao động hiện nay” – ĐB Nhiệm kiến nghị.
Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Minh Phương, TP Cần Thơ cũng cho rằng, chẳng ai muốn làm thêm. Nhưng vì cuộc sống khó khăn mới phải làm thêm. Thậm chí nhiều phụ nữ mang thai 7 tháng nhưng vẫn phải đăng ký làm thêm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là họ lại không được trả lương một cách xứng đáng.
Nhiều ĐB quan tâm đến chế độ thai sản và tuổi nghỉ hưu của lao động nữ |
Liên quan đến thời hạn hợp đồng, ĐB Võ Ngọc Thứ, Kiên Giang đề cập đến điều 16 khoản 2 trong Bộ Luật Lao động với quy định, với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Theo ĐB Thứ, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để gây khó dễ cho người lao động, dẫn đến thiệt thòi rất lớn. Vì thế cần phải lưu ý đến trường hợp này, để đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Ngoài ra ĐB Thứ còn kiến nghị, tạo điều kiện cho người lao động nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ, cần hạn chế làm thêm giờ.
Theo ĐB Cù Thị Hậu, đoàn ĐB Hưng Yên, vấn đề làm thêm giờ là yêu cầu cần thiết của DN.
Nhưng thời gian làm thêm giờ phải phù hợp để người lao động có thời gian dành cho gia đình, cải tạo sức lao động.
Trên thực tế số lao động làm thêm 300 giờ mỗi năm đang khá nhiều, chủ yếu thuộc lao động phổ thông. Nhiều chủ DN đang lách luật để giảm chi phí, đồng thời vắt kiệt sức lao động của người lao động. Khi đã vắt kiệt sức rồi, chủ DN lại sa thải họ để tuyển lao động mới. “Đã nhiều năm làm công nhân, tôi rất hiểu điều kiện của họ. Vì thế DN và cơ quan quản lý cần phấn đấu để người lao động đỡ phải làm thêm. Bởi thực tế họ làm thêm giờ cũng chỉ vì cuộc sống khó khăn” – ĐB Hậu chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, ĐB Hoàng Thị Tố Nga, Nam Định nêu ý kiến phải phạt nặng những DN vi phạm thời gian làm thêm giờ, hoặc có hình thức trá hình bóc lột sức lao động của người lao động.
Vấn đề khác cũng được nhiều quan điểm đưa ra trong buổi làm việc sáng nay là vấn đề thời gian nghỉ hưu cho người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm quy định về hưu đối với nữ giới là 55, còn nam 60 tuổi. Đối với lao động nặng nhọc phải được giảm độ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng chế độ nghỉ hưu của nữ giới kém nam giới 5 tuổi là không công bằng. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, phải tăng độ tuổi nghỉ hưu theo từng thời điểm để tận dụng năng lực và kinh nghiệm của người lao động, đặc biệt đối với loại hình lao động trí óc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng – người chủ trì phiên họp sáng nay cho biết, trong buổi sáng có tổng cộng 26 ý kiến rất thẳng thắn của các ĐB góp ý về Bộ Luật Lao động. Bà Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn, nhất là về độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ để đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Nguyễn Dũng