PGS Nguyễn Duy Thịnh phân tích hậu quả việc đưa tin ầm ĩ về thực phẩm bẩn
Thưa ông, thời gian vừa qua báo chí truyền thông liên tục thông tin về thực phẩm bẩn. Là chuyên gia về lĩnh vực thực phẩm, quan điểm của ông về câu chuyện này như thế nào?
PGS Nguyễn Duy Thịnh: Trong thời gian vừa qua tôi nghe truyền thông nói quá nhiều đến thực phẩm bẩn. Chỉ là tin tức nhưng hãng truyền thông này đua với hãng khác để có thông tin nhanh nhất, dày nhất mà họ quên mất rằng họ đang phản ánh cái ngọn, còn cái gốc thì chưa hỏi đến.
PGS Nguyễn Duy Thịnh |
Tôi phải nói đúng hơn là hơi ầm ĩ. Đưa tin thái quá người ta cảm thấy mặt ti vi nó bẩn chứ họ không biết phải làm thế nào. Những thông tin đó chỉ làm cho xôn xao dư luận. Cái gốc của vấn đề chưa ai lên tiếng.
Thưa ông, ngoài mối nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm bẩn được truyền thông đưa tới, còn mối nguy cơ nào khác?
Tôi thấy còn rất nhiều cái gốc của vấn đề. Hiện nay tại nước ta, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp mang tính vĩ mô xã hội, đó là giải quyết được vấn đề thực phẩm bẩn như thế nào, giải pháp gì? Thay vào đó người ta đua nhau lên án.
Những kiểu lên án quen thuộc đó là lên án người nông dân ham tiền mà hại lẫn nhau, hại đồng loại. Tôi thấy lên án này cực kỳ nguy hiểm về mặt tâm lý, dần dần người ta quen tai, người ta nghĩ ở đất nước này người ta chỉ hại lẫn nhau. Nói mãi cũng thành quen và việc hại nhau đó là đương nhiên.
Vấn đề thứ hai, đó là chúng ta cứ nói đến Trung Quốc mà không có cơ sở, không thấy được bản chất của vấn đề. Có những thông tin hoá chất Trung Quốc, cái gì lạ, độc hại người ta cũng đổ cho Trung Quốc mà không biết đằng sau đó là cái gì.
Nói đúng ra là dân mình ham rẻ chứ người ta có nhét vào mồm mình đâu. Để tránh thực phẩm bẩn thì mình không mua về, cơ quan chức năng cấm không cho nhập, mình nói không là được.
Ngoài ra, xu hướng thời đại cả thế giới người ta hướng tới đó chống lại hiện tượng suy dinh dưỡng protein và người ta chuyển sang ăn thịt nạc không ăn thịt mỡ nhiều. Nhưng trên ti vi đưa quá nhiều đến chất tạo nạc khiến người dân lo sợ và chuyển sang ăn mỡ nhiều. Lâu dài hành động này rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Vậy theo phó giáo sư giải pháp bài toán cho thực phẩm của chúng ta là gì?
Bài toán thực phẩm sạch an toàn cho người dân không phải nằm ở người sản xuất ra nó. Bình thường, ở các nước người ta ăn thịt nạc nhiều, họ dùng công nghệ tiên tiến chọn giống và tạo ra con lợn lớn nhanh, siêu nạc để có nhiều thịt nạc.
Nhưng ở Việt Nam không tìm ra được giống lợn siêu nạc, các sản phẩm lợn siêu nạc lại do các công ty nước ngoài lũng đoạn, người dân nuôi manh mún nhỏ lẻ, để cạnh tranh với các loại thịt siêu nạc của nước ngoài, họ phải dùng chất tạo nạc để làm thịt nạc giả. Nếu các bộ ngành ở nước ta tìm ra giống lợn siêu nạc thì vấn đề chất tạo nạc sẽ dừng lại.
Chúng ta tuyên truyền triệt để ngăn chặn thực phẩm bẩn rất tốt nhưng lại chưa có giải pháp người dân ăn bằng gì. Tương tự rau bẩn cũng thế. Chúng ta thi nhau lên án rau phun thuốc trừ sâu nhưng chúng ta lại bỏ quan cách tuyên truyền đề người dân có cách giảm tồn dư thuốc hoá học như thế nào hay mô hình trồng rau trên diện tích lớn bằng nhà lưới.
Thực phẩm bẩn trở thành ám ảnh khi “đại dịch” ung thư đang xảy ra. Mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn người chết vì bệnh ung thư. Theo ông mối liên quan giữa thực phẩm bẩn và ung thư như thế nào?
Tôi phải nhấn mạnh rằng không phải cứ thực phẩm bẩn là ung thư. Hiện nay người ta đã chứng minh được mối liên quan giữa thực phẩm bẩn và ung thư là có thật nhưng mới nghiên cứu trên động vật. Còn nghiên cứu tác động của các chất, nhóm chất nào đó tìm ra rằng chất đó gây ra bệnh ung thư gì thì chúng ta chưa có.
Tại Việt Nam người ta đang thống kê dịch tễ học về lượng người bị ung thư chết tăng lên rồi họ xem người ta đã ăn gì.
Tôi nghĩ đến lúc ở nước ta nên nghiên cứu cụ thể chất nào gây ung thư gì để người dân tránh không ăn cái đó. Các cơ quan Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đều bỏ xuôi tất cả mà chỉ thống kê dịch tễ học nên không có cơ sở dữ liệu từng chất một gây từng bệnh mà chỉ nói chung chung.
Có những chất chỉ gây bệnh như viêm mũi, viêm họng, không gây ung thư nhưng để dễ dàng họ đều kết luận là gây ung thư. Nó giống như người mẹ doạ con về con ngáo ộp mà trẻ con không ai biết con ngáo ộp là gì và nó sợ. Bệnh ung thư cũng thế, chúng ta đang biến bệnh ung thư như con ngáo ộp.
- Xin cảm ơn Phó giáo sư!