Ông Vũ và bà Thảo sẽ đoàn tụ thế nào sau khi đã dành những lời này cho nhau?
Ông Vũ và bà Thảo không một lần nhìn về phía nhau dù gặp mặt hơn 2 ngày qua. |
Dự kiến chiều nay, sau một ngày nghị án, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án vụ tranh chấp ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Cùng đến tòa trên những chiếc xe hơi hạng sang nhưng ông Vũ bà Thảo thể hiện tâm lý trái ngược. Trong khi ông Vũ thường tươi cười và sẵn lòng trả lời báo chí khi được hỏi, thì bà Thảo tỏ ra khá căng thẳng và kiệm lời hơn.
Do phiên tòa được xử kín nên báo chí không được tham dự. Vì vậy, những thông tin về diễn biến phía trong phiên tòa chủ yếu được đưa ra qua ý kiến của hai bên. Tại đây cả hai tiếp tục cho thấy cách nhìn nhận khác biệt.
Lê Hoàng Diệp Thảo: 5 mẹ con đều cầu xin HĐXX để gia đình đoàn tụ
Ngay từ ngay xử đầu tiên bà Thảo cho biết đã nộp đơn yêu cầu thay đổi 2 trong số 3 thẩm phán của phiên xử phúc thẩm – trong đó có Chủ tọa Nguyễn Hữu Ba. Lý do bà đưa ra là 2 vị này từng bác một kháng cáo của bà trong cùng vụ án này.
Tới những ngày sau đó, bà Thảo tiếp tục đặt nghi ngờ với HĐXX, thậm chí cho rằng HĐXX "quá bất thường". Bà cho biết HĐXX rất ít đặt câu hỏi, dù bà là người đề nghị hủy án sơ thẩm. "Rất kỳ lạ, họ không cho tôi phát biểu, mỗi lần đứng lên đề xuất hay ý kiến gì là bị chặn lại hết", bà Thảo cho hay.
Trong một lần trả lời báo chí, bà cho biết HĐXX đã từ chối xem xét đề nghị đoàn tụ, dù “5 mẹ con đều van xin, cầu xin HĐXX”. Bà cũng thông báo đã gửi đơn tới VKSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát phiên tòa để mọi việc được công bằng.
Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi có bệnh, có chết cũng không nhờ người phụ nữ đó chăm sóc
Ngược lại, ông Vũ cho rằng cả HĐXX sơ thẩm đã làm hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân của họ. Trong khi tòa sơ thẩm hòa giải trong 3 năm, còn tòa phúc thẩm đã 3 lần hoãn xử theo đề nghị của phía bà Thảo. Ông cũng khẳng định các phiên xử diễn ra hoàn toàn công bằng, đúng pháp luật chứ không như lời bà Thảo quy kết.
Tại phiên xử lần này, vấn đề ông Vũ bị “tâm thần” cũng nổi lên vì những tranh cãi qua lại giữa hai bên.
“Thường người bị bệnh đó rất cần người thân của mình nhận ra và giúp, còn không ai bị bệnh tâm thần mà biết mình đang bị tâm thần hết” – bà Thảo nói. Còn luật sư của bà Thảo thì cho rằng giám định năng lực hành vi dân sự của ông Vũ không có giá trị vì ông tự thực hiện.
Trong khi đó, ông Vũ lập tức “phản pháo” lại lập luận này bằng câu trả lời: “Nếu nói tôi tâm thần thì đất nước này cần nhiều người tâm thần như vậy”. Ông Vũ cũng dùng nhiều từ ngữ rất nặng nề khi nói về bà Thảo, thậm chí nhấn mạnh “tôi có bệnh, có chết tôi không nhờ người phụ nữ đó chăm sóc”.
Điểm chung của hai người là đều đến tòa trên những chiếc xe hạng sang - siêu sang. Ông Vũ đi Bentley, còn bà Thảo đi Mercedes-Benz V 250. |
Bên lề phiên tòa, bà Thảo cũng đề cập đến “một nhóm người xấu thao túng chồng tôi và đang âm mưu cướp trắng Trung Nguyên. Họ nịnh bợ rồi đẩy lên để làm anh Vũ lúc nào cũng ở trên trời bằng cách kính thưa rồi gọi là “người tôn kính”, thậm chí là “đấng tối cao”, “giải cứu được thế giới”.
Về phần mình, ông Vũ lại nói về những người quanh mình bằng thái độ như biết ơn. “Cô ấy tố cáo 7 người, hết công an này đến công an khác mời, người ta đi làm kiếm tiền với mình đâu có ai chịu như vậy. Nhưng họ thương Qua nên chịu, chứ không thôi họ bỏ đi hết. Cô ấy khủng bố để đi hết, không ai giúp Qua nữa rồi lấy kết quả đó đem ra truyền thông tiếp”, ông Vũ nói.
Cũng trong phiên tòa, bà Thảo nhiều lần bày tỏ mong muốn đoàn tụ, nhưng ông Vũ một mức khước từ, khẳng định là không thể, thậm chí cho đó chỉ là một “thủ thuật” của bà Thảo.
Trong phần nêu quan điểm ngày 4/12, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX thuận tình cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn.
Về cấp dưỡng, tòa sơ thẩm đã giao 4 người con chung cho bà Thảo chăm sóc, nuôi dưỡng và ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm tính từ 2013. Tuy nhiên, VKSND cấp cao cho rằng cần sửa lại phần này.
Đặc biệt với phần phân chia tài sản chung, VKS đề nghị HĐXX hủy toàn bộ quyết định phân chia của tòa sơ thẩm để xét xử lại theo trình tự.