Ông Trương Đình Tuyển: “Đàm phán TPP còn yêu cầu bảo mật"
Chiều 9/10, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo cung cấp những thông tin cơ bản về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vừa được tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán cách đây ít hôm.
Phát biểu tại buổi họp báo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP cho biết, vì yêu cầu bảo mật nên ông cũng không thể cung cấp những thông tin chi tiết nội dung đàm phán. Tuy nhiên, ông Tuyển đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc về những cơ hội, thách thức của TPP đối với Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại,cố vấn cao cấp cho đoàn Việt Nam đàm phán TPP |
Ông Tuyển đánh giá: “Chúng ta có nhiều cơ hội, phải nhớ rằng cơ hội không thể tự biến thành lợi ích, sức mạnh cạnh tranh trên thị trường và thách thức là sức ép nhưng sức ép đến đâu phụ thuộc vào phản ứng của chúng ta”.
Ông Tuyển cũng bày tỏ lo lắng cho doanh nghiệp nhưng lo lắng hơn là Nhà nước. Bởi khi chịu sức ép, doanh nghiệp phải cạnh tranh để vươn lên. Sẽ có doanh nghiệp “chết” nhưng cũng có doanh nghiệp trưởng thành hơn. Còn bộ máy Nhà nước nếu trì trệ sẽ rất nguy hiểm.
Ông Tuyển cũng cho biết: Hiện nay có quá nhiều số liệu xuất khẩu tăng, GDP của Việt Nam tăng mạnh nhưng điều này không phản ánh được những biến động thị trường thế giới và thái độ, phản ứng của chính phủ.
Ông Tuyển cũng nhấn mạnh “Hiện nay chúng ta đang sống trong cảm xúc quá nhiều. Giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc, đến nỗi tổ chức một cuộc đi bộ ăn mừng. Tôi cho rằng đó là vớ vẩn. Chúng ta thắng một trận bóng đá thì tâng lên mây xanh nhưng thua một trận thì chê bai, xuống hết cỡ. Chúng ta nên bình tĩnh, không nên sống quá nhiều vào cảm xúc”.
Theo ông, cơ hội để Việt Nam xuất khẩu là có nhưng quan trọng có tận dụng được cơ hội hay không. Sau TPP rất có khả năng nhập siêu trong thời gian sẽ tăng. Nhưng điều này không hẳn là xấu.
Ông Tuyển phân tích: Khi gia nhập WTO vào năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng nhanh vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2006. Vốn đăng ký nhiều, triển khai nhiều dự án nên nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng lên.
“Ví dụ đầu tư nhà máy dệt thì ban đầu phải nhập máy móc thiết bị nên nhập khẩu ban đầu sẽ tăng, nếu phát triển sản xuất tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên. Đừng nghĩ rằng mới đầu xuất khẩu sẽ tăng nhanh được”, ông Tuyển nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh |
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết, Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu giá rẻ).
Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với những mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá của ta có sản xuất trong nước. Việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột.
Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế, thu từ thuế sẽ giảm nhưng sắc thuế sẽ tăng lên do sản xuất kinh doanh phát triển.
Thứ trưởng Khánh khẳng định, thực tiễn cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách. Tổng thu từ hàng nhập khẩu vẫn tăng đều hàng năm kể từ năm 2006.
“Khi hàng rào thuế quan xuống, cơ hội tiếp cận thị trường sẽ tăng lên. Tuy nhiên trong TPP với những nước mà chúng ta đã đàm phán như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Canada…đều là những nước có cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu bổ sung cho hàng hóa Việt Nam. Với những thị trường này gần đây chúng ta đang xuất siêu. Chúng tôi có cơ sở để tin rằng xuất khẩu của chúng ta sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn là nhập khẩu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.