Ông Trump chỉ thị chuẩn bị "kỷ nguyên mới" kiểm soát vũ khí sau khi INF đổ vỡ
Động thái bất ngờ của ông Trump sau khi Hiệp ước INF đổ vỡ |
"Tổng thống Trump đã chỉ đạo chính quyền bắt đầu một chương mới và thực hiện các bước để bắt đầu một kỷ nguyên kiểm soát vũ khí mới, vượt ra ngoài khuôn khổ các thỏa thuận song phương trong quá khứ. Trong tương lai, Mỹ kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia với chúng tôi trong cơ hội này để đạt được kết quả thực sự trong lĩnh vực an ninh đối với các nước chúng ta và các nước trên thế giới", nêu rõ trong tuyên bố bằng văn bản.
Ngoại trưởng Pompeo lưu ý rằng Washington cam kết "kiểm soát vũ khí hiệu quả, thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác an ninh, có thể kiểm chứng và có thể chấp nhận được khi thực hiện, và cũng bao gồm các đối tác đáp ứng các cam kết của mình".
Trong khi đó, Phát ngôn viên Lầu Năm góc Jonathan Hoffman ngày 2/8 cho biết, Mỹ sẽ đẩy nhanh hoạt động phát triển những hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ông Jonathan Hoffman nêu rõ: “Sau khi rút khỏi Hiệp ước INF,Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hoàn toàn theo đuổi việc phát triển các loại tên lửa thông thường được phóng từ mặt đất, và xem đây là sự đáp trả khôn ngoan trước những hành động của Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo |
Chấm dứt Hiệp ước INF
Ngày 2/8, Nga đã thông báo chính thức chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF). Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Ngày 2/8/2019, với sự khởi đầu từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô (trước đây) và Mỹ về việc loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức từ bỏ Hiệp ước INF với Nga, cáo buộc Moscow cố ý vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh này.
Phát biểu trong một hội nghị khu vực diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, ông Pompeo khẳng định: "Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có hiệu lực từ ngày hôm nay. Nga là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho sự chấm hết của hiệp ước".
Lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký Hiệp ước INF (Ảnh tư liệu) |
Hiệp ước INF
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn (INF) được ký kết ngày 8/12/1987 giữa Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm chấm dứt những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (có tầm bắn từ 500 - 5.500 km).
Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm Hiệp ước INF, viện dẫn đây là lí do khiến Washington khai tử hiệp ước này. Theo Lầu Năm góc, Nga đã "sản xuất và bảo lưu khả năng tấn công" vốn bị cấm trong thỏa thuận có từ cách đây hơn 30 năm, do đó đe dọa Mỹ và các đồng minh.
Lời cáo buộc ám chỉ đến mẫu tên lửa SSC-8 (phía Nga gọi là 9M729) của Moscow. Trong khi Washington đánh giá SSC-8 có tầm bắn vượt quá giới hạn trong INF, Moscow quả quyết mẫu tên lửa này vẫn tuân thủ thỏa thuận và là phiên bản nâng cấp của một hệ thống tên lửa cũ hơn.