'Ông lớn' ưu tiên bày vải thiều vị trí đẹp, bán tại 3.500 siêu thị, cửa hàng
Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, ngày 7/6, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, vải thiều đang vào vụ thu hoạch. Công tác chuẩn bị phục vụ tiêu thụ đã sẵn sàng.
Năm nay, vải thiều Lục Ngạn tiếp tục có chất lượng vượt trội, mã đẹp. Với hơn 17,3 nghìn ha, sản lượng vải toàn huyện ước đạt 98.000 tấn.
Đặc biệt, Lục Ngạn số hóa các mã số vùng sản xuất vải, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có 35 mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; thị trường Mỹ, Úc, EU có 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; huyện cũng quản lý chặt chẽ và duy trì 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Huyện Lục Ngạn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, ông Nam khẳng định.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Riêng thương nhân Trung Quốc có 204 người được đồng ý đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều năm nay.
Tại hội nghị, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp (WCM) dự kiến tiêu thụ khoảng 200 tấn vải thiều Lục Ngạn. Đến cuối tháng 6, loại trái cây đặc sản này sẽ có mặt tại hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/ WinMart+ trên toàn quốc.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc mua hàng cấp cao chuỗi bán lẻ WCM, chia sẻ: “Với lợi thế hệ thống siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc, mỗi năm chúng tôi tiêu thụ tới hàng nghìn tấn vải thiều, trong đó có vải Lục Ngạn được thu mua từ các hợp tác xã, doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang”.
Thời gian tới, WCM sẽ triển khai tuần lễ giới thiệu, quảng bá trái vải Lục Ngạn tại các điểm bán trực tiếp trên toàn quốc cũng như các nền tảng thương mại điện tử nhằm lan tỏa thương hiệu và giá trị của loại trái cây này đến người tiêu dùng.
Tương tự, Tập đoàn Central Retail Việt Nam ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vải thiều mùa vụ năm nay với các hợp tác xã tại huyện Lục Ngạn. Đồng thời, phối hợp thực hiện nghi thức cắt băng xuất hành đoàn xe vận chuyển vải thiều tiêu thụ tại hệ thống chuỗi siêu thị GO!, Big C, Top Market và xuất khẩu sang Thái Lan.
Theo Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, tháng 5-6 luôn có các chương trình kích cầu tiêu thụ trái cây rất lớn. Với miền Bắc là vụ vải thiều, phía tập đoàn đã làm việc chặt chẽ với hai địa phương là Hải Dương, Bắc Giang và cam kết tiêu thụ vải cao hơn năm trước khoảng 30%.
Bên cạnh đó, tập đoàn đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử và thông qua các app để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trên kênh online. Ngay lối ra vào siêu thị, những vị trí đẹp nhất đã được ưu tiên để dành để trưng bày vải thiều, tạo điều kiện để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được những chùm vải mẫu mã đẹp, chất lượng cao.
Thu gần 6.800 tỷ từ đặc sản vải thiều Báo cáo tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2022 của tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 199,5 nghìn tấn, giảm hơn 15.000 tấn so với năm 2021. Trong năm 2022, thị trường nội địa tiếp tục được khơi thông và mở rộng, lượng tiêu thụ lên tới 123,5 nghìn tấn. Vải thiều có mặt ở hầu khắp các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Ngoài ra, các bán trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Với thị trường xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang tiếp tục khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt gần 76 nghìn tấn. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, EU ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về sản lượng. Theo tỉnh Bắc Giang, tuy sản lượng vải giảm nhưng do giá bán tăng cao nên tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.785 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng doanh thu từ quả vải đạt 4.411 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2021 là 137 tỷ đồng. |
Tâm An