Ông Huỳnh Văn Thòn sở hữu khối tài sản như thế nào tại Lộc Trời?
Tập đoàn Lộc Trời gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn (SN 1958), Chủ tịch HĐQT kể từ năm 2004 đến nay. Trước đó, ông Thòn từng kiêm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời trong thời gian dài từ 2004-2020.
Trước đó nữa, ông Huỳnh Văn Thòn từng có thời gian công tác tại Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang (nay là Sở NN&PTNT), Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang.
Tập đoàn Lộc Trời có vốn điều lệ 805 tỷ đồng, trong đó hai cổ đông lớn nhất là Marina Viet Pte. Ltd và UBND tỉnh An Giang với tỷ lệ sở hữu lần lượt 25,21% và 24,15%.
Trong khi đó, ông Thòn đang trực tiếp sở hữu 2,54 triệu cổ phiếu LTG, tương đương 3,16% vốn điều lệ, đồng thời là cổ đông cá nhân lớn nhất tại doanh nghiệp. Với mức giá hiện tại, giá trị cổ phiếu LTG ông Thòn nắm giữ là 84,169 tỷ đồng.
Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, là nhà sản xuất và kinh doanh thuốc trừ sâu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên gần đây LTG đã mất quyền phân phối độc quyền sản phẩm Syngenta, vốn từng là thế mạnh của tập đoàn trước các công ty đối thủ.
Ngoài kinh doanh thuốc trừ sâu, hay còn gọi là thuốc “bảo vệ thực vật”, Lộc Trời còn là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo với quy mô trên 80.000 tấn gạo/năm, chủ yếu xuất khẩu sang những thị trường lớn như châu Âu, Đông Nam Á.
Tuy nhiên do chi phí đầu vào tăng mạnh và tình hình chiến sự phức tạp dẫn tới những vấn đề về an ninh lương thực thế giới nên Tập đoàn này đã tiếp tục báo lỗ trong quý 2/2022.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2022, chi phí tài chính tăng cao do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng. Biên lợi nhuận gộp giảm cùng chi phí tăng đã khiến LTG lỗ 46 tỷ đồng quý 2, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 47 tỷ đồng. Trước đó, quý 1/2021 LTG lỗ 38 tỷ đồng.
Trên sàn giao dịch chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 5/10, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời tăng giá trở lại sau 5 phiên giảm giá liên tiếp, đạt 34.000 đồng/cp. Cổ phiếu này có xu hướng đi ngang kể từ đầu năm đến nay, mức giá cao nhất trong thời gian này là 42.500 đồng/cp vào tháng 6/2022.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực ghi nhận tăng 47% lên 3.390 tỷ đồng và đóng góp đến 57% tổng doanh thu. Các mảng như thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, bao bì của Tập đoàn đều giảm mạnh. Tuy nhiên, mảng lương thực chỉ đem về 83 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
LTG mới đây công bố các quyết định giải thể và chuyển nhượng vốn lần lượt đối với hai đơn vị là Công ty Cổ phần Lộc Trời Miền Bắc và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời.
Theo đó, LTG sẽ giải thể Công ty Cổ phần Lộc Trời Miền Bắc, công ty con do LTG nắm giữ 99,98% vốn điều lệ. Công ty này có vốn điều lệ 8 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực dầu cám. Bên cạnh đó, LTG cũng thông qua phương án chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời. Công ty này có vốn điều lệ 56 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của LTG là 99,9%. Số cổ phần mà LTG sẽ chuyển nhượng là gần 5,6 triệu đơn vị với giá chuyển nhượng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần.
Ngay trong năm 2021, LTG đã chuyển nhượng vốn tại 5 công ty con là Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng (vốn điều lệ 60 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình (vốn điều lệ 120 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (vốn điều lệ 60 tỷ đồng).
LTG hiện còn 21 công ty con và 1 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc trừ sâu, nông sản, kho bãi…
Hiền Anh